Việt Nam hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á

15:27 11/03/2021

Dù trong khó khăn của đại dịch Covid-19 nhưng tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam vẫn được đẩy mạnh, minh chứng là con số doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời vẫn tăng mạnh.

Việt Nam hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Việt Nam hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á. 

Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020 do Startup Blink - Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đang giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên theo chia sẻ của nhiều startup (công ty khởi nghiệp), chính sách dành cho khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Đơn cử như với Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV, khởi nghiệp sáng tạo có chỉ rõ: Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác.

Về nghị định này, theo chia sẻ của một số startup, có nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các công ty khởi nghiệp. Cùng với đó, một số startup lại gặp khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư ở Việt Nam, phải thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài mới tạo được vốn. Điều này đang dẫn đến tình trạng “chảy máu startup”.

Mới đây, trong buổi gặp mặt “Đối thoại 2045” diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nhân, trí thức tiêu biểu, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã có ý kiến về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo ông, điều cần nhất cho doanh nghiệp là vốn, kinh nghiệm quản lý, điều hành và hệ sinh thái để họ có thể thương mại hóa các sản phẩm dịch vụ của mình. Từ đó ông đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho những khoản đầu tư của doanh nghiệp hay cá nhân vào khởi nghiệp vì “đồng tiền dính liền khúc ruột”.

Đồng tình với quan điểm trên, theo một số chuyên gia, việc miễn, giảm một số loại chi phí đầu vào sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có nguồn vốn để xoay vòng kinh doanh, trong điều kiện đa số nhóm doanh nghiệp này đều có tiềm lực kinh tế chưa thực sự mạnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, nguồn vốn không phải là tất cả đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cần thiết thực và đi vào chiều sâu hơn nữa.

Là Founder kiêm CEO của một công ty sự kiện tại Hà Nội, ông Lò Văn Minh cho rằng, chính sách dành thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng tốt hơn nhưng vẫn còn rất nhiều thứ cần thay đổi. Như cần tăng cường tổ chức các hội thảo, hoạt động để các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe những bài học bổ ích từ các DN đi trước.

Hay như một vấn đề nan giải với doanh nghiệp khởi nghiệp đó là địa điểm văn phòng. Theo ông Minh, thời điểm mới bắt đầu khởi nghiệp, với số vốn ít ỏi, công ty không thể thuê ngay một văn phòng ưng ý mà phải di chuyển qua nhiều nơi, có khi là quán cà phê để làm việc. Điều này khiến các startup khó có thể ổn định và hình thành văn hóa doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ông Minh kiến nghị nên có những khu vực riêng để hỗ trợ nơi làm việc của các start up trong giai đoạn đầu khởi sự kinh doanh.

Còn theo ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (VSMA), đội ngũ cố vấn khởi nghiệp là động lực quan trọng và là “bà đỡ” giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể biến ý tưởng thành hành động.

Do đó, cần xây dựng một đội ngũ cố vấn có trình độ, trải dài từ các địa phương, tạo thành một mạng lưới đủ rộng để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó mới có thể tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thật sự chất lượng.

Được biết, để thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Theo đó, bổ sung mục tiêu của Đề án: Xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo. Đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Đồng thời, phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh cùng các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 PV