Chia sẻ tại họp báo trước khi tổ chức hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Lý do Liên hợp quốc lựa chọn Việt Nam để tổ chức là do qua nhiều giai đoạn phát triển, Việt Nam nổi lên như nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trên thế giới. Năm 2022 Việt Nam xuất khẩu nông sản với giá trị 54 tỷ USD và năm nay hướng đến 55 tỷ USD. Việt Nam là nước được Liên hợp quốc đánh giá cao trong trách nhiệm lương thực với thế giới”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc đăng cai tổ chức hội nghị trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh.
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp. Cùng với đó là sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. “Việc đang cai hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam qua quốc tế là ‘Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững’. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, bao gồm an ninh lương thực và năng lượng…”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Hội nghị gồm là một chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong vòng 4 ngày 24-27/4 với 9 phiên họp chính thức; 10 phiên họp kỹ thuật bên lề; 1 ngày họp của ban cố vấn đa bên; tham quan thực địa; đêm hội “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” (3N Gala Dinner)... Xuyên suốt thời gian hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tham gia làm diễn giả các phiên họp toàn thể và bên lề về: Xem xét lại các mô hình, kiến trúc toàn cầu về Hệ thống lương thực, thực phẩm; thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo; đối thoại của các Đầu mối quốc gia về Hệ thống lương thực, thực phẩm; đầu tư có trách nhiệm và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Bên cạnh việc góp phần quảng bá thành tựu nông nghiệp Việt Nam, hội nghị sẽ xem xét các rào cản chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động. Có 4 nhóm vấn đề chính sẽ được thảo luận tại hội nghị, gồm: Mô hình kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; Các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; Các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm; Các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.
Hội nghị cũng sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.
T.H