Nộp thuế doanh nghiệp 0 đồng
Báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2020 của Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho thấy, VICEM có vốn chủ sở hữu lên tới 15.318 tỷ đồng. Vậy nhưng chi phí thuế thu nhập hiện hành tại công ty mẹ VICEM trong cả quý II/2019, quý II/2020 và 6 tháng đầu của cả năm 2020 đều là 0 đồng.
Lý giải về việc này VICEM cho biết, tại ngày 30/6/2020, Tổng Công ty có các khoản thua lỗ tính thuế là 1.582 tỷ đồng có thể được sử dụng để khấu trừ vào lợi nhuận trong tương lai. Do đó, không phát sinh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2020.
Tuy bước sang năm 2021, vốn góp chủ sở hữu của VICEM lên tới 15.318 tỷ đồng nhưng thời điểm cuối quý II/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ VICEM là âm 109 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 64 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Theo VICEM, hoạt động đầu tư cũng khiến doanh nghiệp này âm nặng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại VICEM là âm 341 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước là 139 tỷ đồng. Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của các đơn vị khác tăng mạnh từ 794 tỷ đồng lên 1.065 tỷ đồng.
Con số này quá lớn nên dù trong nửa đầu năm 2020, VICEM thu được 210 tỷ đồng từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia, thu 515 tỷ đồng từ thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của các đơn vị khác nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại VICEM vẫn là con số âm.
Đất "vàng" bỏ không?
Nói về việc "rót tiền" vào các dự án, hiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (VICEM TOWER) tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn đang đóng băng gây lãng phí quỹ đất tại Thủ đô.
Cụ thể, Báo cáo tài chính của VICEM cho thấy, Dự án trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được phê duyệt trên lô đất rộng 8.476m2 tại 10E6 khu đô thị mới Cầu Giấy. Dự án được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh tăng lên 2.743 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, VICEM muốn xin bán lại trụ sở văn phòng trên và cho rằng, đây là một trong những mục tiêu của VICEM trong việc tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ. Ngày 9/10/2019, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng dự án và yêu cầu VICEM triển khai xây dựng và trình Bộ Xây dựng phương án chi tiết.
Ngày 9/11/2019, VICEM trình Bộ Xây dựng phê duyệt chấp thuận thay đổi phương án xử lý với lô đất này từ “giữ lại tiếp tục quản lý sử dụng” theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thành “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Hơn 1 năm sau, đến thời điểm lập báo cáo tài chính công ty mẹ quý II/2020 (ngày 15/8/2020), VICEM vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng về vấn đề nói trên. Còn tại thời điểm cuối năm 2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của VICEM tại dự án này lên đến 773 tỷ đồng.
Thực tế tòa tháp VICEM TOWER tới giờ vẫn chỉ là công trình dang dở, nhiều hạng mục xây dựng bị thời gian bào mòn, bê tông rêu mốc, khung sắt hoen rỉ, khu đất chưa xây cỏ hoang mọc ngút đầu người.
Báo lỗ, thậm chí âm vốn, thế nhưng tiền lại bị "kẹt" ở dự án như trên, VICEM cần có phương án thiết thực, tránh lãng phí quỹ đất.
Hà Linh