VAR và tham vọng sử dụng công nghệ trong World Cup 2022 liệu đã thực sự thành công?

15:20 05/12/2022

Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng, VAR đã làm giảm đi tính kịch tính của các trận đấu, làm suy yếu các giác quan của trọng tài, lãng phí thời gian, tạo nên những khía cạnh tranh cãi mới…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tham vọng  để đưa ra những quyết định công bằng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đang gây ra nhiều tranh cãi. 

Việc sử dụng trợ lý trọng tài video (VAR) vào World Cup cho thấy một trường hợp điển hình về mức độ khó khăn để có được sản phẩm tối ưu, phù hợp với thị trường trong một môi trường áp lực cao, có tác động quan trọng đến hàng triệu người hâm mộ theo dõi các trận đấu.

Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng, VAR đã làm giảm đi tính kịch tính của các trận đấu, làm suy yếu các giác quan của trọng tài, lãng phí thời gian, tạo nên những khía cạnh tranh cãi mới…

VAR được hệ thống hóa trong luật chính thức của bóng đá vào năm 2018, sau đó công nghệ này được triển khai tại World Cup 2018 tại Nga.

Thực chất, VAR hoạt động nhờ hệ thống camera lắp đặt quanh sân hoặc trên cao khán đài để ghi lại các tình huống trong trận đấu. Khi trái bóng vẫn đang lăn trên sân, các thành viên trong tổ VAR ngồi cách xa sân vận động sẽ xem video quay chậm các tình huống vừa diễn ra rồi tư vấn cho trọng tài chính.

Theo quy định, VAR chỉ hỗ trợ trọng tài trong bốn lĩnh vực: Có bàn thắng được ghi, có tình huống phạm lỗi, thẻ đỏ và trường hợp nhận dạng sai cầu thủ. Ngoài ra, VAR còn có thể được sử dụng để phát hiện lỗi việt vị, kéo áo, va chạm...

Việc áp dụng VAR vào các giải đấu tạo nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người ủng hộ sự góp mặt của công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại, nhưng còn có một bộ phận nhanh chóng đổ lỗi cho VAR phá hỏng bóng đá, làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu. Chẳng hạn, người hâm mộ vẫn nhớ mãi về “Bàn tay của Chúa” với pha làm bàn bằng tay của huyền thoại Diego Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh.

VAR về bản chất là công nghệ hỗ trợ trọng tài ra quyết định, chứ hoàn toàn không thể thay thế các vị “vua sân cỏ”. Nói cách khác, mọi quyết định cuối cùng vẫn do trọng tài chính đưa ra.

Trọng tài tham khảo VAR nhưng vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ảnh: Gulf Today.
Trọng tài tham khảo VAR nhưng vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ảnh: Gulf Today.

Tranh cãi xung quanh các tình huống trọng tài tham khảo VAR 

Nhiều ý kiến trái chiều về VAR khi cho rằng, nó gây nên nhiều nhầm lẫn hơn là xác định các tình huống rõ ràng. Ít người phản đối việc dùng VAR để xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa hay cầu thủ có việt vị hay không? Tuy nhiên với những quyết định chủ quan về việc thổi phạt đền hay rút thẻ đỏ, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra, đặc biệt khi các trọng tài tham khảo VAR và thay đổi quyết định ban đầu của mình.

Tron vòng bảng World Cup 2022, tính đến ngày thi đấu 30/11, chỉ riêng VAR đã có 16 quyết định liên quan trực tiếp vào các tình huống dẫn đến bàn thắng. Hơn nửa trong số đó đều không thuyết phục được số đông.

Quyết định thổi phạt đền ở trận Bồ Đào Nha thắng Ghana 3-2 là một trong những đề tài gây tranh cãi nhất. Cựu tuyển thủ Nigeria, Sunday Oliseh, thành viên tiểu ban kỹ thuật FIFA, gọi tình huống ngã kiếm phạt đền của Ronaldo trước Ghana ở loạt trận đầu tiên là khôn ngoan, khi Cristiano Ronaldo chờ đợi đúng khoảnh khắc khiến đối thủ phạm lỗi.

Song, một số góc quay chỉ ra rằng trung vệ Mohammed Salisu của Ghana không có tác động đủ lớn để khiến Ronaldo ngã ra như thế. Vấn đề ở đây là VAR không can thiệp khi trọng tài thổi 11 m. HLV Ghana, Otto Addo, tuyên bố: "Tôi không biết trọng tài VAR có làm việc tập trung không nữa".

Mike Dean, cựu trọng tài nổi tiếng Ngoại hạng Anh, cũng thắc mắc khi VAR không can thiệp để đưa ra quyết định chính xác hơn. Ông cho biết: "Hậu vệ Ghana rõ ràng đã chơi bóng. Ronaldo sau đó chạm vào lưng hậu vệ, ngã xuống, chủ động kiếm phạt đền. Đó không phải lỗi của trọng tài – ông ấy đưa ra quyết định trên sân. Theo tôi, VAR phải vào cuộc và mời trọng tài đến xem".

Dale Johnson, chuyên gia về luật bóng đá, cho rằng nếu trọng tài không thổi phạt đền, không có khả năng VAR sẽ xác định lỗi trong tình huống đó. Bởi băng quay chậm cho thấy tác động của trung vệ lên Ronaldo không đủ lớn.

Tại sao VAR không vào cuộc trong tình huống đó? FIFA chưa đưa ra giải thích rõ ràng nào, và nó chỉ khiến làn sương mù xung quanh nhiều quyết định của các "vua áo đen" thêm mờ hơn.

Một trường hợp gây tranh cãi khác là ở loạt trận thứ 2 của World Cup 2022, trọng tài chính ông Alireza Faghani đã quyết định cho tuyển Bồ Đào Nha được hưởng quả penalty sau khi kiểm tra VAR.

Cụ thể, trong tình huống đó Gimenez bên phía Uruguay bị Bruno Fernandes sút xuyên qua hai chân và cầu thủ này lập tức chống tay xuống theo quán tính nhằm tránh bị ngã và chấn thương. 

Tuy nhiên, trọng tài Alireza Faghani và tổ VAR lại cho rằng đó là tình huống cố tình dùng tay chơi bóng và quyết định cho Argentina được hưởng quả phạt đền. 

Tình huống bóng chạm tay Gimenez (số 2) trong vòng cấm. Ảnh: AFP
Tình huống bóng chạm tay Gimenez (số 2) trong vòng cấm. Ảnh: AFP.

Quyết định trên của phòng VAR và ông Alireza Faghani đã gây xôn xao trong dư luận. Thậm chí, chính trưởng ban trọng tài của FIFA, ông Massimo Busacca phải thừa nhận rằng VAR đã mắc sai lầm ở tình huống đó.

Theo ông Massimo Busacca, Gimenez buộc phải chống tay xuống dưới để bảo vệ cơ thể và đó là tình huống bất khả kháng. Nếu không có thể đã dẫn tới chấn thương. Do vậy, không thể coi Gimenez dùng tay chơi bóng ở tình huống đó. Quyết định thổi phạt đền Uruguay là quyết định có phần nghiệt ngã với đại diện của Nam Mỹ. Từ những cơ sở kể trên, trưởng ban trọng tài của FIFA, ông Massimo Busacca nhấn mạnh đó vẫn là một sai lầm nghiêm trọng của VAR khi đã tham vấn không chính xác cho trọng tài Alireza Faghani.

Với việc được một quả phạt đền từ sai lầm của VAR, Bruno Fernandes khi đó đã tận dụng rất tốt cơ hội để nâng tỉ số lên 2-0 cho Bồ Đào Nha. Thời gian còn lại là không đủ để cho Uruguay có thể tìm kiếm bàn gỡ hòa. 

VAR đã mắc sai lầm khi đã tham vấn không chính xác cho trọng tài Alireza Faghani.
VAR đã mắc sai lầm khi đã tham vấn không chính xác cho trọng tài Alireza Faghani.

Canada cũng là một đội khác có quyền bức xúc. Ở trận thua 0-1 của họ trước Bỉ tại loạt đầu, đại diện CONCACAF bị từ chối hai quả phạt đền trong hiệp 1. Sau khi Tajon Buchanan bị Jan Vertonghen phạm lỗi trong vùng cấm, trọng tài điều khiển trận đấu, Janny Sikazwe và các trợ lý cho rằng cầu thủ Canada đã việt vị trước đó.

Điều đáng nói ở đây, Buchanan chưa hề việt vị vì anh nhận đường chuyền về của Eden Hazard. Pha quay chậm sau đó cho thấy Buchanan bị Vertonghen giẫm vào chân. Có quan điểm cho rằng Vertonghen vào trúng bóng trước, nên VAR không can thiệp. Tuy nhiên, điều này chưa được VAR xác nhận. Nếu VAR yêu cầu trọng tài chính ra xem lại tình huống và đưa quyết định của riêng mình, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. Cuối cùng, Canada mất đi cơ hội được xem xét thổi penalty chỉ vì tổ trọng tài đánh giá sai tình huống việt vị.

Canada sau đó còn bị từ chối một quả penalty khác ở cuối hiệp 1, sau khi Witsel phạm lỗi với Laryea trong vùng cấm. Tình huống này thậm chí còn rõ ràng hơn pha bóng trước. Trọng tài Sikazwe và tổ VAR một lần nữa không thổi penalty cho Canada.

Bài học nào được rút ra?

Có hai bài học được rút ra từ việc sử dụng VAR. Đầu tiên, công nghệ không bao giờ được sử dụng chỉ vì lợi ích của công nghệ. Nó chỉ nên được triển khai trong các tình huống tranh cãi, để cung cấp thông tin cho quyết định của trọng tài chứ không phải thay thế nó.

Ngoài ra, hiệu quả của VAR cũng quan trọng không kém. Khi cố gắng giải quyết một nhóm vấn đề, công nghệ không nên tạo ra những vấn đề mới. Các hệ thống nên liên tục được cải thiện để đáp ứng với thông tin phản hồi.

Để đạt được điều đó, điều quan trọng là người dùng và người hâm mộ hiểu cách thức hoạt động của hệ thống vận hành VAR và tin tưởng vào phương pháp này.

Về mặt này, các trợ lý trọng tài video tại các trận đấu cricket làm tốt hơn, khi đưa ra bằng chứng cho người xem và giải thích cách họ đưa ra quyết định của mình.

Việc đảm bảo rằng, các quyết định có thể được giải thích rõ ràng là rất quan trọng đối với VAR. Nguyên tắc đằng sau VAR về việc “can thiệp tối thiểu, lợi ích tối đa” là điều rất tốt, nhưng kinh nghiệm cho thấy điều đó khó thực hiện như thế nào khi được áp dụng vào các trận đấu.

Trở lại các tình huống mà VAR gây tranh cãi ở World Cup 2022, BBC khuyến nghị cần phải có sự điều chỉnh. Thí dụ, tại Ngoại hạng Anh, trước mùa giải 2021-2022, từng có nhiều trường hợp cầu thủ bị thổi việt vị do phần mũi giày, mũi cầu thủ hay phần ống tay áo qua vạch của VAR. Tuy nhiên, bước sang đầu mùa giải năm ngoái, Ban tổ chức quyết định điều chỉnh về đường kẻ việt vị, mang đến lợi thế hơn cho các cầu thủ tấn công trong những pha bóng bị thổi việt vị. Tổ VAR của Ngoại hạng Anh sử dụng các đường kẻ đậm hơn, để giúp các cầu thủ tấn công có nhiều xác suất không rơi vào thế việt vị hơn so với cách xác định trước.

Tuy nhiên, tại World Cup 2022, FIFA sử dụng hoàn toàn công nghệ 3D để xác định lỗi việt vị của cầu thủ. Trong đó, 12 camera theo dõi chuyên dụng được gắn bên dưới mái vòm ở từng sân, cũng như thiết bị được tích hợp vào quả bóng sẽ xác định các tình huống. Sau đó, tổ VAR sẽ tiếp tục thực hiện thêm thao tác kiểm tra thủ công. Đồng thời, World Cup 2022 áp dụng luật việt vị của Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), trong đó nêu rõ cầu thủ ở trong thế việt vị khi bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở bên phần sân đối phương; hoặc bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở gần với vạch vôi khung thành hơn là trái bóng và cầu thủ đứng thấp thứ nhì của đối phương.

Đình Lâm (t/h)