Vai trò truyền thông đối với BHXH tự nguyện

00:00 12/10/2020

Công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng. Khảo sát của BHXH tỉnh Gia Lai cho thấy rõ mức độ tác động của truyền thông đối với phát triển BHXH tự nguyện.

Hiệu quả từ truyền thông

Công tác truyền thông chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng được tăng cường bằng nhiều hình thức nhưng phần lớn vẫn thông qua các phương tiện truyền thống như báo, đài, số lượng người dân tiếp cận với thông tin về BHXH tự nguyện ngày càng nhiều hơn. Để đánh giá toàn diện hơn về mức độ tác động của công tác truyền thông về BHXH tự nguyện, nhóm nghiên cứu của BHXH tỉnh Gia Lai thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hiểu biết về BHXH tự nguyện. Khảo sát 500 mẫu thì có 265 người muốn biết thông tin về BHXH tự nguyện thường tìm đến đại lý thu xã, phường, chiếm tỷ lệ gần 53% số người khảo sát.

 Kết quả phản ánh đúng thực trạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, vì địa bàn dân cư sống không tập trung, xã, phường là nơi gần, sát với dân, kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, nguồn cung cấp thông tin về BHXH tự nguyện cho người lao động từ cơ quan BHXH chiếm tỷ lệ 29% trên tỷ lệ mẫu khảo sát. Rõ ràng, bên cạnh đại lý thu, thì cơ quan BHXH cũng là một kênh thông tin quan trọng.  Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, vai trò cung cấp thông tin về BHXH của Bưu điện còn thấp, chỉ có 90/500 người được hỏi cho biết họ có thông tin BHXH từ đại lý thu, chiếm tỷ lệ 18% trong tổng số người được hỏi. Có thể do Bưu điện triển khai quá nhiều dịch vụ công, chưa dành nhiều thời gian triển khai công tác BHXH tự nguyện. Thực tế hiện nay chỉ một số ít đại lý thu là nhân viên, cộng tác viên bưu điện được tập huấn và thực hiện việc thu BHXH tự nguyện, còn các đại lý thu khác chưa được tập huấn đại trà. Kết quả khảo sát cho thấy, phần đông số người được hỏi chưa biết nhiều đến quyền lợi hoặc biết nhưng chưa rõ thông tin về quyền lợi được hỗ trợ đóng khi tham gia. Chỉ có 158 trường hợp chiếm 31,6% số người tham gia khảo sát biết khá rõ quyền lợi về BHXH, còn 68 trường hợp chiếm 13,6% biết, 146 trường hợp biết nhưng chưa rõ và 128 trường hợp, chiếm tỷ lệ 25,6% không biết quyền lợi khi tham gia BHXH, số không biết này bao gồm cả những người không nghe đến thông tin BHXH. Rõ ràng, chất lượng truyền thông chưa đạt yêu cầu trong thực tế, điều này bao hàm cả hình thức và nội dung tuyên truyền vì có đến 25,6% người lao động dù có nghe nhưng không biết quyền lợi tham gia BHXH. Thực tế công tác tuyên truyền tại Gia Lai thời gian qua đã dành phần lớn nội dung tuyên truyền về chính sách BHYT để đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT, thực hiện đạt kế hoạch chỉ tiêu về BHYT hàng năm mà Chính phủ giao cho địa phương. Nội dung tuyên truyền về BHXH chưa nhiều, chưa được quan tâm đúng mức, có thể xem đây là một hạn chế về công tác tuyên truyền BHXH tại địa phương.

 Nhu cầu và khả năng tham gia BHXH tự nguyện

 Về nhu cầu tham gia BHXH của lao động phi chính thức chưa tham gia (250 người), sau khi được giới thiệu sơ bộ về nội dung chính sách BHXH và quy định hỗ trợ mức đóng từ 01/01/2018, có 27% cho biết có mong muốn tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ này khá khả quan, một lần nữa cho thấy vai trò rất quan trọng của thông tin, truyền thông. Có 23% cho biết chưa tham gia BHXH tự nguyện, biết không muốn tham gia do không hiểu về BHXH tự nguyện, điều này tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, hoặc tham gia nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là chưa hợp lý và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành BHXH, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách BHXH để có thể tham gia tập trung mong muốn giảm thời gian đóng 20 năm như hiện hành; mong muốn Nhà nước tăng mức hỗ trợ, giảm mức đóng tối thiểu hoặc hỗ trợ mức hưởng để mức lương hưu không quá thấp; mong muốn được hưởng thêm các chế độ ngắn hạn./.

T.H