![]() |
Sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế hướng tới khám chữa bệnh miễn phí |
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị" do Bộ Y tế và Báo Tiền Phong tổ chức sáng 8/5.
Theo ông Thuấn, một trong những định hướng mang tính đột phá là phấn đấu để người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân. Ngành y tế đặt ra hai mốc lộ trình quan trọng:
Giai đoạn 2026-2030: Đảm bảo 90% dân số tiếp cận dịch vụ dự phòng bệnh tật, phủ 100% BHYT, thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho toàn dân, phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử và giảm chi phí trực tiếp xuống dưới 20%, đồng chi trả BHYT dưới 10%.
Giai đoạn 2031-2035: Tiếp tục hoàn thiện pháp lý và từng bước triển khai chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 người dân không còn phải trả thêm khi sử dụng dịch vụ BHYT.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình rõ ràng.
TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ, nhấn mạnh khái niệm "miễn phí" cần được xác định cụ thể về phạm vi và đối tượng áp dụng. Ông đặc biệt lưu ý đến chi phí điều trị các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư vốn rất tốn kém. Theo ông, giải pháp cốt lõi để giảm chi phí là tăng cường dự phòng bệnh tật.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, đồng quan điểm rằng dù miễn phí khám chữa bệnh là mục tiêu lý tưởng, nhưng vẫn cần nguồn tài chính bù đắp. Ông cho rằng mức đóng BHYT hiện nay theo lương cơ bản là chưa đủ, nên cân nhắc chuyển sang đóng theo thu nhập để tạo nguồn lực bền vững hơn.
Theo ThS Hoàng Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, đến cuối năm 2024, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 94,2%, trong đó các nhóm yếu thế đã được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, để mở rộng quyền lợi và đáp ứng nhu cầu thực tế, việc điều chỉnh mức đóng là cần thiết, bảo đảm công bằng và phù hợp với từng nhóm đối tượng.