Sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế hướng tới khám chữa bệnh miễn phí Đề xuất đưa học phí, viện phí, tiền thuốc vào diện giảm trừ gia cảnh |
Việt Nam đang đối mặt nghiêm trọng với mô hình bệnh tật kép, đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và bên cạnh đó là các rối loạn tâm thần) là nguyên nhân của khoảng 80% số ca tử vong và chiếm 74% tổng gánh nặng bệnh tật. Đáng lo ngại, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở độ tuổi rất trẻ. Nếu tình trạng bệnh kéo dài để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe đối với bệnh nhân và xã hội.
Bên cạnh yếu tố nguy cơ hành vi như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên… còn có nguyên nhân dẫn đến số người mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng là người có hoàn cảnh khó khăn không dám đi khám vì sợ có bệnh mà không có tiền.
![]() |
Tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035 |
Rất nhiều câu chuyện trên thực tế khi chúng ta nghe thấy đều bày tỏ cảm xúc: “Thương quá, đã nghèo còn mắc bệnh hiểm nghèo”. Tưởng chừng đó chỉ là câu cảm thán, nhưng thực tế lại rất logic, nhiều người nghèo không dám đi khám bệnh vì sợ tốn tiền, không có tiền.
Trong khi theo chia sẻ của chuyên gia y tế, hầu hết các căn bệnh đều bắt đầu từ những biểu hiện đơn giản, nếu người dân thường xuyên đi khám sẽ phát hiện ra bệnh, có cách điều trị sớm từ ban đầu.
Những năm gần đây, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục. Trong đó có việc người dân vẫn đang phải tự chi trả khoảng 40% tổng chi phí y tế - tỷ lệ cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị dưới 20% của Tổ chức Y tế Thế giới.
Chi phí khám chữa bệnh cao khiến nhiều người ngại điều trị. Viện phí trở thành gánh nặng thường trực cho hàng triệu người, nhất là những người thu nhập thấp, hoặc rơi vào tình cảnh khẩn cấp mà không thể chuẩn bị trước.
Tỷ lệ chi phí y tế cao có nguyên nhân từ việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ làm tăng chi phí. Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài. Hơn thế, chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn.
Trở lại câu chuyện buồn ngành y tế mới đây như báo chí phản ánh, sự việc nghi "nộp đủ tiền mới cấp cứu" liên quan đến bệnh nhi 6 tuổi ở Nam Định. Điều này hoàn toàn đi ngược lại quyền cơ bản được chữa bệnh, và nhất là với người nghèo không thể bị tước quyền đó chỉ vì chưa nộp đủ tiền. Qua sự việc này nhiều người đặt câu hỏi, nếu như được miễn viện phí toàn dân thì câu chuyện buồn như nêu trên có xảy ra?.
Vì vậy, mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần; từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030-2035, được người dân cả nước mong chờ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, việc miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương lớn, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn viện phí cho người dân không chỉ là định hướng chiến lược lâu dài mà còn là mục tiêu mà toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim hàng triệu người dân, đồng thời là mong mỏi của người dân và ngành y tế.
Sau thông báo kết luận này của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại phiên họp Đảng ủy Chính phủ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về những đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển giáo dục đào tạo, diễn ra tối qua (17/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết, theo hướng thay đổi từ khám, chữa bệnh là chính, sang chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, với phương châm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, khám, chữa bệnh là thường xuyên, đột xuất.
Đặc biệt, triển khai chăm sóc sức khỏe nhân dân theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đảm bảo tiếp cận bình đẳng về y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; nâng cao thể lực người Việt Nam, khắc phục già hoá dân số; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp vaccine; nâng cao chất lượng y tế; xây dựng bệnh viện số, bệnh viện thông minh; xác định lộ trình miễn viện phí cho nhân dân sớm nhất có thể, trước hết miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em…