Đây là sự kiện quan trọng nhằm quán triệt, cụ thể hóa các định hướng lớn vào thực tiễn ngành nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.
Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có.
![]() |
Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 bàn về đổi mới sáng tạo, bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển nông nghiệp xanh. |
Từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.
“Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên - những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết 57”, ông Dũng nói.
Theo TS. Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ KHCN khẳng định: Chữ đầu tiên của Nghị quyết 57 là ‘đột phá’ - điều đó không phải ngẫu nhiên. Bởi đây chính là tinh thần xuyên suốt trong hệ thống các nghị quyết như Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 193/2025/QH15, Nghị quyết 100, Nghị quyết 71/NQ-CP và Nghị định 88/2025/NĐ-CP - những văn bản thể hiện rõ khát vọng đưa đất nước vươn lên bằng động lực từ khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao.
Nghị quyết 57 xác lập 5 quan điểm nền tảng, trong đó đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là động lực chính để thúc đẩy lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đây không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một yêu cầu chính trị - xã hội, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
![]() |
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. |
Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03 (tháng 1/2024) và Nghị quyết 71 (tháng 4/2024) để cụ thể hóa các nhiệm vụ, thể hiện tinh thần hành động khẩn trương. Nghị quyết 71 xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thay đổi tư duy lãnh đạo, nâng cao nhận thức xã hội và phát triển hạ tầng khoa học công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số . Đồng thời, các chính sách đột phá về tài chính, thể chế cũng đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công. Qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển nông nghiệp xanh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN, ĐMST với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.