Vaccine Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ tiêm ở đâu?

22:38 06/03/2021

Vấn đề triển khai tiêm vaccine sẽ diễn ra ở đâu, như thế nào, những đối tượng nào được chọn để tiêm vaccine Covid-19 trong đợt đầu tiên này? Bắt đầu từ ngày 8/3 tới, Bộ Y tế chính thức tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vì số lượng vaccine hiện còn hạn chế, 13 tỉnh/TP có bệnh nhân Covid-19 được phân bổ tiêm lần này cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 21 của Chính phủ. Trong đó ưu tiên cho các cơ sở có điều trị bệnh nhân Covid-19, những người làm công tác truy vết, xét nghiệm..., có như thế mới tạo niềm tin về triển khai tiêm vaccine, bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine. 

 Ngày 8/3, Bộ Y tế chính thức tổ chức tiêm vaccine Covid -19.

Theo Bộ trưởng, với nguồn vaccine hiện có là 117.600 liều, trước mắt, chọn các điểm tiêm ở tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Do đây là lần đầu tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn ở quy mô rộng nên Bộ Y tế đã phân công ba Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo ba khu vực tiêm đầu tiên.

"Với các địa phương chưa được phân bổ vaccine, cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, các chương trình đào tạo tập huấn. Ngay khi có vaccine về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay để triển khai tiêm. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để quản lý và bảo đảm đúng nguồn và chất lượng vaccine. Bởi trên thực tế, hầu hết các hãng vaccine có yêu cầu ký kết với Chính phủ và Bộ Y tế. Tuy nhiên, có thông tin về một số tổ chức, cá nhân khi tiếp cận địa phương nói có thể cung ứng vaccine. Các địa phương phải báo cáo ngay cho Bộ Y tế khi có hiện tượng này", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Để bảo đảm an toàn, các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, trước khi tiêm chủng phải khám sàng lọc Covid-19. Với những người sốt, ho, khó thở, chủ động không đến tiêm chủng. Các cơ sở cần thông báo cho những người thuộc đối tượng tiêm chủng về vấn đề này.

Bộ Y tế cho biết, hình thức tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn, trường hợp cần thiết, các Sở Y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia.

Hiện tại, vaccine Pfizer có hiệu lực bảo vệ trên 90%, Moderna hiệu lực bảo vệ 94% và vaccine AstraZeneca chỉ có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, dù độ bảo vệ của vaccine AstraZeneca không đạt 100% nhưng người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca hiện được triển khai tiêm tại 25 quốc gia, tiêm bắp cho người từ 18 tuổi trở lên và không có độ tuổi giới hạn trên. Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm đủ 2 liều vaccine của AstraZeneca.

“Sau khi tiêm chủng vaccine này, có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C, ớn lạnh...). Ngoài ra, có từ 1% đến dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm”, PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý.

Hiện nay, Bộ Y tế đã yêu cầu cán bộ y tế các tuyến khuyến cáo điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản... bảo đảm yêu cầu. Ngoài ra, tại điểm tiêm chủng phải có hộp chống sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ phác đồ phòng, chống sốc cho người lớn. Sau khi tiêm, người tiêm ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm chủng; thông báo cho cán bộ y tế khi có bất cứ triệu chứng nào sau tiêm vắc xin và chủ động thông báo trên ứng dụng hồ sơ sức khỏe.

Q.V