Ngày 6/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vaccine Mosquirix của hãng dược GlaxoSmithKline. WHO đồng thời khuyến cáo sử dụng vaccine này ở châu Phi để đẩy lùi dịch sốt rét.
Trong cuộc họp với các cố vấn của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi việc phê duyệt vaccine Mosquirix là "thời khắc lịch sử", theo AP.
"Việc xác nhận vaccine sốt rét mang lại tia hy vọng cho châu Phi, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch bệnh", Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, nói. "Chúng tôi hy vọng nhiều trẻ em châu Phi sẽ được bảo vệ khỏi bệnh sốt rét và phát triển thành những người trưởng thành khỏe mạnh".
WHO cho biết, quyết định của họ phần lớn dựa trên kết quả từ các nghiên cứu trên hơn 800.000 trẻ em được chủng ngừa từ năm 2019 ở Ghana, Kenya và Malawi.
Vaccine Mosquirix được phát triển bởi hãng dược GlaxoSmithKline vào năm 1987. Tuy là vaccine ngừa sốt rét đầu tiên được phê duyệt, vaccine này chỉ có tỷ lệ hiệu quả vào khoảng 30%, yêu cầu tiêm 4 mũi và khả năng kháng virus giảm dần sau vài tháng, theo AP.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, vaccine Mosquirix có thể hỗ trợ quá trình chống lại bệnh sốt rét ở châu Phi.
"Đây là một bước tiến rất lớn. Dù không phải là vaccine hoàn hảo, vaccine Mosquirix vẫn sẽ ngăn hàng trăm nghìn trẻ em tử vong", Julian Rayner, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Cambridge, nhận định.
Các Nhà khoa học đã nghiên cứu vắc xin ngừa sốt rét hàng trăm năm qua và nay mới có thành quả đầu tiên. Trong các thử nghiệm, vắc xin này có thể giúp giảm 50% bệnh sốt rét nặng trong năm đầu tiên, và giảm dần hiệu quả, đến năm thứ 4 thì không còn tác dụng.
Tuy vậy, theo tính toán, nếu vắc xin được sử dụng ở các nước dễ bị bệnh sốt rét, có thể ngăn ngừa được 5.4 triệu ca, và giảm được 23,000 ca trẻ em dưới 5 tuổi tử vong. Nếu kết hợp vắc xin với các thuốc ngăn ngừa thì tỉ lệ bảo vệ còn cao hơn nữa./.
TH