Ứng Hóa (Hà Nội): Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá cần được lữu giữ, phát huy

07:35 10/05/2021

Mỗi khi nghe những tiếng nhạc du dương làm mê đắm lòng người, ít ai nhớ đến có một làng nghề cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa tạo ra các sản phẩm đàn dân tộc đó là làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Những nghệ nhân nơi đây với bàn tay khéo léo, tỷ mỷ đã cho ra những sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam với tiếng nhạc độc đáo, thăng trầm, trìu mến đi vào lòng người qua các thời kỳ lịch sử cho đến tận ngày nay.

Để làm ra được một chiếc đàn ưng ý đòi hỏi các nghệ nhân nơi đây phải công phu, qua nhiều giai đoạn: Từ khâu chọn nguyên liệu, phơi gỗ, đánh bóng gỗ, chau chuốt lắp ghép. Để hoàn thành một sản phẩm ưng ý cũng phải mất thời gian 1 tuần. rồi tráng sơn sau đó khắc nên hoa văn họa tiết phù hợp với mỗi sản phẩm. 

  Các sản phẩm đàn đã được hoàn thành.

Khi đến ngôi làng nghề truyền thống nhắc đến nghệ nhân Đào Văn Soạn thì ai cũng biết đến; bởi vì ông Soạn là người duy nhất ở Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Quốc gia và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của TP. Hà Nội. Ông là người trải qua những thăng trầm của làng nghề. “Trong lịch sử làng nghề, vào thời kháng chiến chống Thực dân Pháp và trước cách mạng 1945, làng nghề phát triển mạnh. Sau khi hòa bình lập lại 1954, làng vẫn giữ được nghề. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, làng nghề  không phát triển được vì đó là thời kỳ kinh tế khó khăn. Sau chiến tranh, người làng nghề phải đi xa vào tới tận Sài Gòn, Thanh Hóa, Nam Định…”, ông Soạn chia sẻ. 

  Nghệ nhân Đào Công Soạn trau chuốt lại phím đàn.

Có thể khẳng định làng nghề Đào Xá cung cấp phần lớn các sản phẩm nhạc cụ dân tộc nhưng ở đây không nghệ nhân nào được đào tạo bài bản về âm nhạc. Những người làm nghề đơn thuần dựa từ kỹ thuật thẩm âm do cha ông truyền lại để làm ra những loại đàn mang những âm sắc khác nhau. Vậy mà hiếm khi sản phẩm làng nghề phải trả lại do chưa đạt chuẩn.

Những năm 70 của thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên trung tâm Hà Nội để lập phường nghề, phố nghề. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, những thợ làm đàn ở Đào Xá đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, cung cấp cho kinh kỳ, góp phần làm cho các phường nghề thủ công thêm sầm uất. Ngày nay nghề làm đàn ở Đào Xá ngày một phát triển. Dân làm nghề trong làng tôn vinh cụ Đào Xuân Lan làm Tổ nghề của làng. Hiện nay ở làng Đào Xá có nhà thờ Tổ. Hằng năm vào ngày giỗ Tổ, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề.

Vũ Văn Tiến