UKVFTA sẽ là "bệ phóng" giúp doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc trong năm 2021

06:00 30/12/2020

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. FTA này không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguồn: Internet)

Hàng Việt sẽ xuất hiện nhiều hơn tại châu Âu nhờ UKVFTA

Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.

Vào lúc 21h ngày 29/12 (theo giờ Việt Nam), Hiệp định UKVFTA được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại London, Vương quốc Anh.

Việc ủy quyền cho đại sứ hai nước trực tiếp ký tại Anh là bởi bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã không thể trực tiếp có mặt và thực hiện ký kết theo thông lệ.

Mặc dù kế thừa từ Hiệp định EVFTA, nhưng Hiệp định UKVFTA cũng có một số điểm mới. Đó là thương mại hàng hóa, ngoài việc hai bên tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình của Hiệp định EVFTA, Anh vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA. Trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định UKVFTA được nhận định sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ UK vào Việt Nam. Về phía Việt Nam, với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới.

Đặc biệt, UKVFTA sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đây là những nước không có triển vọng ký kết FTA với UK trong nhiều năm tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, với Việt Nam, những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông, thủy sản sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường UK. Theo tính toán, giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào UK ước đạt 3,5 nghìn tỷ/năm.

Bên cạnh đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết: "UKVFTA sẽ đảm bảo giao thương giữa hai nước không bị gián đoạn và duy trì đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong thời gian tới".

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường những sản phẩm may mặc, đồ thể thao, đồ gỗ, máy tính, điện thoại di động, trà, cà phê, hồ tiêu, tôm nuôi, gạo đặc sản, các loại quả nhiệt đới (chuối, bưởi, xoài, thanh long), thép xây dựng sẽ có khả năng cạnh tranh tốt tại thị trường Anh.

Những sản phẩm này là thế mạnh rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam mà nhu cầu của thị trường Anh rất lớn, hiệp định UKVFTA sắp tới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường Anh.

Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành thiết kế phần mềm và vận tải hàng không của Việt Nam có khả năng cạnh tranh. Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết sản phẩm Việt Nam từ lâu nay đã gia tăng thị phần tại thị trường Anh, nhưng chỉ chiếm không tới 0,1% nhu cầu nhập khẩu vào thị trường Anh, một trong những lý do là sự cạnh tranh cùng mặt hàng từ các nước xuất khẩu lớn rất mạnh.

Một số đối thủ cạnh tranh các mặt hàng của Việt Nam tại Anh gồm Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Hàn Quốc, và rất nhiều quốc gia khác có thể mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng.

Hiệp định UKVFTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác vì trong những năm sắp tới ông Nguyễn Cảnh Cường đánh giá chưa nhìn thấy các nước đối thủ cạnh tranh nói trên sớm có hiệp định thương mại tự do với nước Anh, ít nhất là trong khoảng thời gian đó các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam là có lợi thế cạnh tranh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh thời gian từ tháng 1-10/2020 đạt khoảng 4,1 tỷ USD, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10/2020 đạt hơn 477 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 9/2020. Xuất khẩu Việt Nam sang Anh đang dần phục hồi từ tháng 8/2020 nhờ EVFTA. 

(Ảnh: Internet)

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho rằng, FTA giữa Việt Nam và UK sẽ mang lại các ưu đãi thuế quan giúp hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ.

Hay với ngành thủy sản, ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào UK được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0%. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra). Theo đó, những ngành chế biến tôm và cá tra sẽ có cơ hội thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cũng như có triển vọng thu hút đầu tư để tận dụng các cam kết này.

Đối với mặt hàng gạo, với những cơ hội mang lại từ Hiệp định này, gạo xuất xứ từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, UK còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Trong UKVFTA, bên cạnh gạo, UK còn cam kết bổ sung về lượng TRQ đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi... Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi UK là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).

Mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn cũng như thị hiếu tiêu dùng của người dân UK đối với các loại sản phẩm hoa quả nhiệt đới, trong thời gian tới, ngành xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường UK một cách thuận lợi hơn và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này...

Các DN cần chủ động "chớp" thời cơ

Để vào được thị trường Anh, hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường với giá cả cạnh tranh.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong Hiệp định EVFTA, nhưng đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng. Công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế. 

Để khai thác hiệu quả UKVFTA, con đường duy nhất là ngành sản xuất chế biến nông sản trong nước phải chuẩn hóa mọi khâu để đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra trong Hiệp định, không bị đối tác “lắc đầu”. Còn với ngành hàng rất triển vọng là dệt may, thì cửa xuất khẩu vào Anh để hưởng ưu đãi lại rất sáng khi có thể gia tăng thỏa mãn quy tắc xuất xứ nhờ sử dụng vải Hàn Quốc.

Còn Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho rằng Anh và EU đang trong giai đoạn chuyển tiếp, kết thúc vào ngày 31/12/2020.

Chính phủ Anh đã ban hành Chính sách ngoại thương hậu Brexit và có thể sẽ dần dần điều chỉnh một số quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thủ tục hải quan.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt kịp thời những thay đổi này khi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh.

Ngoài ra, việc lựa chọn sử dụng đồng bảng Anh hay đồng USD trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi sát biến động tỷ giá giữa đồng bảng Anh và đồng USD.

Không nên chấp nhận điều khoản thanh toán trả chậm để hạn chế rủi ro biến động tỷ giá và rủi ro phá sản của bạn hàng. Cẩn trọng giao dịch hợp đồng trị giá lớn với các doanh nghiệp mới thành lập. Nhất thiết phải xác minh uy tín và tình trạng tài chính của đối tác trước khi mới giao dịch lần đầu.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, cùng với các Hiệp định khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), EVFTA được ký kết trong năm nay, UKVFTA sẽ tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau.

Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việcc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu sang Anh, EU mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có.

Chính phủ Anh cũng như các nước châu Âu đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 triệt để. Theo ông Giang, nhu cầu trong năm 2021-2022 về các sản phẩm may mặc, tiêu dùng sẽ tăng lên, tuy nhiên, để thuận lợi xuất khẩu hàng sang thị trường này, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến xuất xứ sản phẩm cũng như các rào cản kỹ thuật chặt chẽ.

Cụ thể, ông Giang cho hay, doanh nghiệp cần chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác như trong thời gian dịch bệnh vừa qua các doanh nghiệp đã làm rất tốt. Ngoài ra, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, lao động, môi trường… cũng cần được tiếp cận, tuân thủ để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu.

“Khối EU, Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ… sẽ là những thị trường hàng đầu và Hiệp hội sẽ có những kế hoạch cụ thể để cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại, xuất khẩu. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về cơ hội, thuận lợi và những lưu ý của ngành này tới các doanh nghiệp, để từ đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách hiệu quả thị trường,” ông Giang nói.

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và UK.

Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA. Hiện nay, hai bên đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định từ 23h ngày 31/12.

Gia Minh