![]() |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp lượng vốn lớn cho công ty điện VinEnergo |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn Vingroup công bố sẽ dùng 35 triệu cổ phiếu để góp vốn thành lập VinEnergo.
Cụ thể, ông Vượng đã chính thức lập Công ty Cổ phần Năng lượng VinEnergo với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó ông trực tiếp nắm giữ 71% cổ phần thông qua việc góp vốn bằng hơn 35 triệu cổ phiếu VIC, trị giá khoảng 1.420 tỷ đồng. Hai con trai của ông là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng cũng tham gia góp vốn, mỗi người sở hữu 5% cổ phần tại công ty này.
VinEnergo được thành lập ngày 12/3, có trụ sở đặt tại tòa văn phòng Symphony, Vinhomes Riverside (Hà Nội) – nơi nhiều công ty công nghệ của Vingroup đang hoạt động. Công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện và chế tạo thiết bị điện, đánh dấu bước đi chiến lược của ông Vượng trong ngành năng lượng.
Sau khi hoàn tất thương vụ góp vốn, tỷ lệ sở hữu của ông Vượng tại Tập đoàn Vingroup giảm từ 17,82% xuống còn 16,92%. Đổi lại, VinEnergo sẽ nắm giữ 0,9% vốn điều lệ Vingroup – tương ứng số cổ phiếu VIC mà ông Vượng chuyển giao.
Đây không phải là lần đầu tiên vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam sử dụng cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập doanh nghiệp mới. Trước đó, ông đã chuyển nhượng 243 triệu cổ phiếu VIC để thành lập Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI và hơn 50 triệu cổ phiếu để góp vốn vào Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM – lần lượt hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và gọi xe công nghệ.
Việc thành lập VinEnergo diễn ra trong bối cảnh Vingroup đang tăng tốc mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cuối tháng 3, tập đoàn đã có văn bản gửi Chính phủ, đề xuất triển khai loạt dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất lên tới 47.500 MW trong giai đoạn 2025–2035. Riêng đến năm 2030, tổng công suất đặt mục tiêu đạt 20.500 MW với mức đầu tư dự kiến từ 20–25 tỷ USD.
Các dự án này sẽ được triển khai tại 7 địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm: Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa. Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm 13.900 MW và điện gió đạt 6.600 MW.
Bên cạnh năng lượng tái tạo, Vingroup còn đề xuất bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Nhà máy có công suất thiết kế 5.000 MW, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025–2030 với tổng mức đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD.
Theo Vingroup, dự án LNG này sẽ góp phần bù đắp công suất cho các dự án nhiệt điện lớn gặp khó khăn trong triển khai như BOT Nam Định 1, Quảng Trị, Vĩnh Tân 3 và Sông Hậu 2. Đồng thời, việc lựa chọn các địa phương để triển khai dự án đều dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe như tiềm năng đất đai, khả năng đấu nối lưới điện, gần trung tâm phụ tải lớn và hiệu quả tài chính dài hạn.
Chiến lược mới của ông Phạm Nhật Vượng không chỉ là bước đi riêng lẻ, mà nằm trong tầm nhìn dài hạn đưa Vingroup trở thành một tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Nếu các đề xuất được phê duyệt, VinEnergo sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi phát triển các dự án quy mô lớn, góp phần hình thành các trung tâm năng lượng quốc gia có công suất trên 5.000 MW tại những khu vực có lợi thế về tự nhiên và hạ tầng.