Câu nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” khá phổ biến ở nhiều nền văn hoá, ngụ ý rằng khối tài sản của một gia đình, dù lớn đến mấy cũng khó duy trì quá ba đời. Bởi vì, đời đầu tiên thường rất cố gắng vất vả tạo dựng cơ nghiệp, nhưng đến đời thứ 2, con cái bắt đầu tiêu tán tài sản, dùng tiền mà cha mẹ kiếm được để vui chơi hưởng lạc thú, đến đời thứ 3, cháu chắt càng biết hưởng lạc nhiều hơn, chính vì thế mà gia nghiệp lụi tàn, tài sản dần cạn kiệt.
Tuy nhiên tại Mỹ, gia tộc Rockefeller cho thấy vẫn có những ngoại lệ. Trải qua 100 năm gia tộc Rockefeller đã giàu đến 6 đời. Bước sang thế hệ thứ 7 với 174 người thừa kế, gia tộc này vẫn duy trì khối tài sản kếch xù với hơn 11 tỷ USD vào năm 2019. Được biết, người đầu tiên mang lại vinh quang, tiền tài cho gia tộc chính là ông John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) - trùm kinh doanh và nhà từ thiện, người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Ông John John D. Rockefeller chính là người sáng lập nên đế chế dầu mỏ lừng lẫy - Tập đoàn Standard Oil và có biệt danh là "Vua dầu mỏ". Năm 1916, khối tài sản của Rockefeller chiếm gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, và nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì ngày nay tài sản của ông sẽ có giá trị khoảng 418 tỷ USD.
Ngoài tài năng kinh doanh nhạy bén, ông Rockefeller còn được hậu thế ngưỡng mộ bởi cách nuôi dạy con tuyệt vời. Trong suốt cuộc đời mình, tỷ phú Rockefeller đã viết 38 lá thư gửi con trai, truyền dạy những bài học đời sống, kinh doanh đắt giá. Đây đều là những kinh nghiệm để đời mà ông đúc kết được qua đó giúp thế hệ sau nối dài vinh quang, sự hưng vượng của gia tộc.
Một kẻ rêu rao về trí thông minh chính là kẻ ngu ngốc. Còn người biết giả ngốc mới thật sự thông minh
Trong một bức thư ông viết: "Một kẻ rêu rao về trí thông minh chính là kẻ ngu ngốc. Còn người biết giả ngốc mới thật sự thông minh". Đồng thời ông cũng kể lại câu chuyện thời trẻ của mình.
Ngày nọ, khi Rockefeller đang đi trên đường thì bị một nhân viên ngân hàng chặn lại, hỏi ông có muốn vay 15.000 USD (344 triệu đồng) không. Thật tình cờ là lúc ấy, Rockefeller cũng đang cần huy động một khoản tiền. Tuy nhiên ông không tỏ ra vồn vã mà bình tĩnh nói với nhân viên ngân hàng rằng mình cần thêm thời gian suy nghĩ. Cuối cùng, Rockefeller ký được hợp đồng vay tiền với nhiều điều khoản có lợi.
Rõ ràng, việc Rockefeller giả vờ ngốc nghếch, phải suy nghĩ thêm về khoản tiền vay đã khiến nhân viên ngân hàng thả lỏng cảnh giác. Cũng vì vậy mà ông được lợi hơn khi đàm phán.
Nói về điều này, vị tỷ phú giàu nhất trong lịch sử giải thích thêm: “Bản chất con người là điều khó lường nhất. Có những kẻ chỉ cần thấy người khác tài giỏi, sống tốt hơn mình thì liền nảy sinh lòng đố kỵ, bày mưu hãm hại. Vậy nên không phô trương sự thông minh là tốt nhất. Càng phô trương, càng dễ thu hút rắc rối, sóng gió. Con sẽ bị cạnh tranh gay gắt, tiêu cực hơn. Càng biết cách giả ngu ngốc, càng nhận được nhiều lợi ích. Thực tế những người thông minh thực sự đều đang âm thầm cải thiện bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, thay vì khoe khoang về bản thân.”
"Miễn phí" không hẳn là miễn phí
Từ khi còn là một đứa trẻ, John D. Rockefeller đã nhận ra tầm quan trọng của đồng tiền. Ông thường xuyên tìm cách kiếm tiền từ những việc vặt vãnh nhỏ vừa với sức bản thân. Tuy vậy, bản thân ông lại không bao giờ tham những gì “miễn phí”.
Theo quan niệm của Rockefeller, trên thế giới hoàn toàn không có bữa ăn nào là miễn phí. Nếu đã quen với việc nhận những thứ “miễn phí”, bạn sẽ từ từ nảy sinh cảm giác ỷ lại trong lòng. Thay vì tìm cách tự kiếm tiền để mua nó bằng thu nhập của bản thân, bạn sẽ chỉ “chăm chăm” nghĩ xem, lần sau mình có thể tiếp tục nhận đồ “miễn phí”.
Cứ như vậy, động lực để làm việc chăm chỉ và chính đáng sẽ dần dần mất đi. Sự miễn phí đó khiến bạn phải trả một cái giá đắt đến không tưởng, thay đổi cả tương lai và vận mệnh của một người.
Hiểu rõ điều này nên John D. Rockefeller luôn coi “miễn phí” như một cạm bẫy nguy hiểm mà bản thân cần tránh xa. Chính quan điểm này cũng giúp ông lược bớt nhiều ngã rẽ và khó khăn không cần thiết trên con đường lập nghiệp cá nhân của mình. Khi chướng ngại được giảm xuống, ông có thể kiên định với mục tiêu và phương hướng ban đầu, qua đó nhanh chóng tích lũy được của cải.
Sau này, Rockefeller cũng rất hiếm khi cho con cháu tiền tiêu vặt dễ dàng. Ông luôn yêu cầu các con phải sử dụng sức lao động cá nhân để đổi lấy thu nhập, chẳng hạn như rửa bát, lau sàn, thu dọn bàn ăn...
Mỗi công việc nhà đều có giá tương ứng. Mục đích chính là để ngăn cản suy nghĩ và thói quen ỷ lại của các thế hệ tương lai vào khối tài sản khổng lồ mà các bậc cha chú đã để lại. Học cách tỷ phú dạy con của nhà Rockefeller sẽ giúp chúng ta "thấm" được nhiều bài học quan trọng.
NĐ (T/h)