Tỷ phú Ấn Độ nắm giữ chìa khóa dẫn đầu ngành công nghệ

17:08 21/04/2021

Mukesh Ambani đã dành nhiều năm gây dựng doanh nghiệp dầu mỏ trở thành một đế chế công nghệ. Vào năm 2020, tầm nhìn của vị tỷ phú đã thành hiện thực khi công ty có những bước tiến đột phá ngay trong giữa đại dịch.

Trong bối cảnh vi rút Corona tàn phá nền kinh tế toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 11 năm ngoái, người đàn ông giàu nhất Ấn Độ không những không chịu tác động từ Covid-19 mà còn huy động được số tiền đầu tư 27 tỷ USD đặt cược vào tương lai của internet. Cụ thể, hơn một nửa số tiền trên có xuất sứ từ Thung lũng Silicon. Facebook đã chi 5,7 tỷ USD được biết đến là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử của công ty Hoa Kỳ. Tiếp đó là Silver Lake Partners, công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Menlo Park của Facebook. Kế đến là các khoản đầu tư nhỏ hơn từ Qualcomm (QCOM) và Intel (INTC) trước khi Google (GOOGL) lao vào cuộc đua với 4,5 tỷ USD.

Người nhận tất cả số tiền đầu tư là Jio Platforms, một phần của Tập đoàn Reliance Industries lớn mạnh của Ambani. Jio khởi đầu là một mạng di động vào năm 2016 và đã thu hút được khoảng 400 triệu người dùng lúc bấy giờ thông qua dịch vụ phát trực tuyến, ứng dụng hội nghị truyền hình, mạng băng thông rộng cáp quang và thanh toán kỹ thuật số. Jio đã góp phần đưa hàng trăm triệu người dân Ấn Độ tiếp cận internet và hiện sở hữu 750 triệu người dùng trên khắp cả nước. Ajit Mohan, Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Facebook tại Ấn Độ nhận xét, Jio là người hùng mang lại thay đổi tích cực đối với nền internet Ấn Độ và ông mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác cũng như cảm thấy công ty Ấn Độ phù hợp với tầm nhìn của Facebook tại thị trường này.

Tầm nhìn của Ambani 

Mukesh Ambani
Mukesh Ambani. (Ảnh: internet) 

Sau khi huy động được hơn 20 tỷ USD cho Jio Platforms, Reliance đã thu hút các nhà đầu tư cho hoạt động kinh doanh bán lẻ của mình. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, Reliance Retail đã huy động được khoảng 6,4 tỷ USD phần lớn đến từ các nhà đầu tư bao gồm Silver Lake, General Atlantic, TPG cũng như quỹ tài sản có chủ quyền của Ả Rập Xê Út. Chuỗi bán lẻ của Ambani là chuỗi cửa hàng lớn nhất ở Ấn Độ, với hơn 12.000 cửa hàng và vị tỷ phú cho đến nay chưa hề giấu giếm tham vọng kết hợp đế chế bán lẻ và công nghệ nhằm cạnh tranh với hai ông lớn của Mỹ là Flipkart của Amazon (AMZN) và Walmart (WMT) đang thống trị hoạt động mua sắm trực tuyến ở Ấn Độ, kiểm soát hơn 60% thị trường.

Mukesh Ambani cho ra đời sáng kiến JioMart được công bố vào năm 2019 với mục tiêu đưa hàng nghìn cửa hàng tiêu dùng vật lý truyền thống của nước nhà đi vào hoạt động trực tuyến. Gần đây, Reliance Retail đã mua lại một trong những đối thủ Ấn Độ lớn nhất của mình là Future Retail với giá 3,3 tỷ USD, đây là một thỏa thuận khởi động cuộc chiến pháp lý kéo dài và phức tạp với Amazon. Không dừng lại tại đây, tỷ phú Ấn Độ có kế hoạch tấn công thị trường 5G tham vọng đưa công nghệ này đến với Ấn Độ vào nửa cuối năm 2021. Ông Ambani đã từng phát biểu tại một hội nghị về viễn tưởng cung cấp một mạng lưới cùng với các thành phần công nghệ được phát triển bản địa phổ cập 5G cho người dân. Trên hết vị tỷ phú hướng đến thay đổi cơ bản cách thức giao tiếp, kinh doanh và mua hàng của hơn một tỷ người và gây dựng đế chế lớn mạnh hơn nữa. Ông bày tỏ quan điểm của mình như sau: “Chúng tôi đang tạo ra các giải pháp cây nhà lá vườn hấp dẫn trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính và thương mại mới. Mỗi giải pháp trong số này, một khi đã được chứng minh ở Ấn Độ sẽ được cung cấp cho phần còn lại của thế giới để giải quyết những thách thức toàn cầu”.

Địa lý và Công nghệ

Tuy là người có bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng nhưng Ambani không phải “đấng toàn năng”, tỷ phú Ấn Độ không ít lần gặp khó khăn tìm cách đưa Jio ra mắt tại Hoa Kỳ cũng như phát triển trên thị trường toàn cầu. Ravi Shankar Chaturvedi, giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh doanh Trường Fletcher của Đại học Tufts cho biết: “Reliance không có bất kỳ lợi thế về công nghệ như tìm kiếm của Google, mạng xã hội của Facebook, công cụ thương mại điện tử của Amazon hay sự kết hợp của bộ đôi thương mại điện tử đến từ Trung Quốc là Alibaba và Tencent”.

Thay vào đó, Jio đạt được sự hiện diện về mặt địa lý và hậu thuẫn từ nước nhà. Chaturvedi cho biết thêm:“Đối với Thung lũng Silicon, chỉ riêng thị trường Ấn Độ đã lớn hơn 5 thị trường tiêu thụ lớn nhất tính theo số lượng dân số trên thế giới cộng lại”. Chaturvedi lập luận rằng khi Trung Quốc có “Tường lửa” kiểm duyệt trực tuyến và ngăn chặn các công ty công nghệ của Mỹ thì Ambani đã thành công trong việc tạo ra một vách ngăn tương tự thông qua Jio. Hàng loạt sự kiện các công ty công nghệ toàn cầu phải đối mặt với một loạt rào cản pháp lý từ chính phủ Ấn Độ đã cho thấy nước này sẵn sàng kiềm chế các công ty nước ngoài và chính Ambani là người hưởng lợi lớn nhất từ những quy định đó.

Từ đế chế dầu mỏ đến Jio

Nhắc đến Ambani không thể không nhắc đến sản nghiệp dầu mỏ đồ sộ mà ông được thừa kế cũng là thành tựu lớn nhất của cuộc đời ông cho tới nay. Cha của vị tỷ phú là ông Dhirubhai đã thành lập một công ty kinh doanh sợi ở Mumbai vào năm 1957 và sau đó trở thành một doanh nghiệp dệt may ăn nên làm ra. Trong nhiều thập kỷ, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn lớn mạnh Reliance Industries bao gồm năng lượng, hóa dầu và viễn thông.

Mukesh Ambani đã tiếp quản tài sản dầu mỏ và hóa dầu của công ty. Vào tháng 9 năm 2016, Mukesh Ambani bước chân vào lĩnh vực viễn thông và internet của Ấn Độ. Khi đó Jio cung cấp cho mỗi khách hàng mới sáu tháng sử dụng Internet 4G miễn phí và hàng triệu người Ấn Độ đã đăng ký gây ra một cuộc chiến giá khốc liệt. Cuối năm 2017 Jio mua lại Reliance Communications vốn thuộc về người anh em của Ambani sau “cuộc chiến gia tộc” phân chia tài sản.

Tốc độ phát triển như vũ bão của Jio đã giúp bù đắp phần nào sự biến động trong giá dầu và đưa Reliance ngày một vươn xa hơn nữa. Nỗ lực táo bạo nhằm chuyển đổi tập đoàn trị giá 170 tỷ USD của Mukesh Ambani phải đối mặt với một thử thách lớn vào năm 2021 khi nền kinh tế Ấn Độ không thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, sau tất cả, giống như các gã khổng lồ công nghệ khác trên thế giới, Jio ngày càng lớn mạnh trong thời kỳ đại dịch. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Đầu tiên là Ấn Độ, sau đó là thế giới

Câu hỏi được đặt ra hiện này là: Tại sao Facebook, Google lại đầu tư vào Jio vào thời điểm kinh tế thế giới đang rối ren, kinh tế Ấn Độ đang suy thoái? Nhiều chuyên gia tin rằng động thái này của các công ty phương Tây nhằm tìm kiếm “bảo hiểm chính trị” tại Ấn Độ khi Jio là một trong những công ty hàng đầu có đầy đủ tiềm năng về kinh tế và lợi thế từ nhà nước.

Còn theo quan điểm của Ambani, một liên minh bao gồm một số tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ chỉ là một cách để Jio tiếp tục chỉ huy tất cả các khía cạnh của internet của Ấn Độ. Công ty đã kiểm soát một lượng lớn thị phần. Ví dụ như thông qua Facebook, công tỷ của Ambani có thể tích hợp JioMart với WhatsApp, nền tảng duy nhất ở Ấn Độ có cơ sở người dùng tương đương với Jio. Với Google, Jio cố gắng để kiểm soát các thiết bị di động bằng cách hợp tác phát triển “điện thoại thông minh giá cả phải chăng” cho tầng lớp trung lưu của Ấn Độ. Và tỷ phú Ambani thậm chí còn để mắt đến công nghệ chip thông qua các đối tác như Qualcomm.

 Ông cho biết: "Khi số hóa nền kinh tế và xã hội Ấn Độ tăng tốc, nhu cầu về phần cứng kỹ thuật số sẽ tăng lên. Chúng tôi không thể dựa vào nhập khẩu quy mô lớn. Tôi nhận thấy trước mắt Ấn Độ hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm chính cho ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến nhất”. Qualcomm, đối tác lâu năm của Jio đã tham gia nhóm đầu tư bằng cách chi khoảng 97 triệu USD vào tháng 7 cho 0,15% cổ phần. Theo Quinn Li, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc toàn cầu của bộ phận đầu tư Qualcomm Ventures, việc Jio cam kết xây dựng hệ thống mạng của riêng mình đồng thời phát triển điện thoại thông minh mang đến cho nhà sản xuất chip một cơ hội duy nhất để tham gia kế hoạch Internet .

Ambani dường như đã sẵn sàng tận dụng sự ủng hộ toàn cầu của Jio và Reliance Retail vào các đợt IPO cho biết thêm, ông sẽ tiến tới niêm yết cả hai công ty này trong vòng 5 năm tới. Theo một số báo cáo phương tiện truyền thông và các nhà phân tích trong ngành, đợt IPO cho Nền tảng Jio trên Nasdaq có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2021. Vị tỷ phú từng phát biểu: “Chúng ta sắp bước vào một thập kỷ huy hoàng của Ấn Độ” và “Không gì có thể ngăn cản sự trỗi dậy của Ấn Độ, kể cả Covid-19. Đây là cơ hội để chúng tôi tạo nên lịch sử”.

TL