Trong 03 năm, Lâm Đồng đã tổ chức kết nối thành công 49 ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Với số lượng bình quân gần 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới hàng năm (giai đoạn 2016-2020) thì số lượng các ý tưởng khởi nghiệp trong 03 năm qua của tỉnh Lâm Đồng là khá cao so với các địa phương trong nước. Qua các cuộc thi khởi nghiệp trong hai năm qua cho thấy, nhiều sinh viên, thanh niên, phụ nữ…trên địa bàn tỉnh có đam mê, khát vọng vươn lên để thành đạt, dám dấn thân và có ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp. Nhiều ý tưởng được chọn qua các cuộc thi được hội đồng giám khảo đánh giá cao, tạo được dấu ấn về tính sáng tạo, phù hợp với những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Riêng năm 2020, Lâm Đồng cũng đã tổ chức rất thành công chương trình Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo cấp vùng tại Lâm Đồng, nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 với chủ đề:“Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch” với thành phần tham dự là Lãnh đạo địa phương, đại diện các Sở ngành liên quan; Lãnh đạo Hội liên hiệp, Lãnh đạo Thành đoàn; Đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu; Đại diện các cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, chuyên gia công nghệ; Các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình địa phương.
Ngày hội tại Lâm Đồng bao gồm rất nhiều các hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị kết nối khởi nghiệp, đào tạo cho đoàn viên thanh niên, startup về khởi nghiệp ĐMST, Tham quan mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương. Tại Hội nghị kết nối, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các bạn startup đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương;
Tại đây, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương. Hội nghị đã hỗ trợ các Startup mở rộng mạng lưới kết nối của mình và đồng thời cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia với các phiên chuyên đề tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực Nông nghiệp Thông minh. Các nhóm vấn đề chính tại hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: Thủy Hải sản, Nông Lâm nghiệp và Nông nghiệp kết hợp với Du lịch, logistic.
Lâm Đồng là một trong số không nhiều địa phương đã sớm hình thành cơ chế, chính sách, tổ chức và cơ chế vận hành chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng qua thực tế cho thấy chính sách và mô hình tổ chức của chúng ta có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế. Ngoài nguồn lực là Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; tỉnh còn chủ trương sử dụng các Quỹ khuyến công, Hợp tác xã, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ… nhưng lại không có quy chế phối hợp các nguồn lực này nên không triển khai được trên thực tế vì mỗi quỹ đều có quy chế, đối tượng và mục tiêu riêng. Ngay cả Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp vốn là quỹ chỉ dành riêng cho mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp nhưng quy chế quản lý quỹ được ban hành cũng chưa thật sự phù hợp với đặc thù của đối tượng khởi nghiệp; từ đó các nguồn lực phục vụ cho chính sách hỗ trợ khởi nghiệp khó đi vào cuộc sống và chưa có những tác động tích cực thúc đẩy khởi như nghiệp như kỳ vọng.
Trên thực tế, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên thành công tiêu biểu trên các lĩnh vực, tạo nhiều việc làm và đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Một số mô hình đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Âu như: Giống công nghệ sinh học INVITRO của Công ty CNSH F1, hay mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh của HTX Thủy Canh Việt, các mô hình trồng hoa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần tạo nên bức tranh khởi nghiệp đầy màu sắc đặc trưng của Lâm Đồng.
Để tinh thần khởi nghiệp thật sự đạt được hiệu quả cao hơn nữa, Lâm Đồng cũng cần tiếp tục đưa ra những chính sách để đồng hành cùng các startup, cần tập huấn chuyên nghiệp và chuyên sâu hơn để trang bị hành trang cho các bạn khởi nghiệp.
PV