Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương diện tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ đạo đức, văn hóa. Thế giới đương đại, nhất là hoàn cảnh VN trong hơn hai thập kỷ qua từ khi bước vào đổi mới cho thấy sáng rõ tầm nhìn và trí tuệ của Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay doanh nghiệp phải nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển. Sự phát triển của doanh nghiệp có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Sinh thời, Hồ Chí Minh cho rằng bốn lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là quan trọng ngang nhau. Ngày nay, các doanh nghiệp phải ý thức được rằng văn hóa không chỉ là kết quả của sự phát triển doanh nghiệp nhanh, bền vững mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Phải đặt yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế.
Bác Hồ tham gia gặt lúa với đồng bào (Ảnh tư liệu)
Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình trên nền nhận thức và hiểu biết chung về văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, mà điều có ý nghĩa quan trọng là phát huy và thực hành dân chủ, quản lý dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Mà sáng tạo và phát minh của con người tức là văn hóa. Những sáng kiến đó được áp dụng và khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái. Và khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái thì khuyết điểm cũng bớt dần.
Văn hóa doanh nghiệp hôm nay cần chú trọng văn hóa đạo đức, mà hàng đầu là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nêu cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng lực lượng doanh nghiệp trong nước với nhiều thương hiệu mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao là một cách tiếp cận về văn hóa doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng triết lý doanh nghiệp của mình như là nét riêng, bản sắc của doanh nghiệp. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là văn hóa doanh nghiệp vừa là phát triển bền vững.
Trong văn hóa doanh nghiệp thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Bởi vì con người là gốc của doanh nghiệp. Mọi việc đều do người làm ra. Mọi sự thành bại của doanh nghiệp đều do doanh nhân tốt hay kém. Gắn với văn hóa doanh nhân là văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hoá trong tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị- xã hội của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề lớn, cần được nghiên cứu, khai thác trong các hội thảo chuyên biệt.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân ra đời cách đây gần hai phần ba thế kỷ. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò doanh nghiệp và doanh nhân theo tư tưởng của Người thì mới được Đảng, Nhà nước nêu ra trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, điều có ý nghĩa nhất là tuy thế giới, đất nước đã có nhiều đổi thay so với lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động, nhưng di sản của Người về doanh nghiệp và doanh nhân vẫn mang giá trị trường tồn. Nếu biết vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân, thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện không chỉ đứng vững, phát triển, mà còn có khả năng cạnh tranh cao với thế giới.
PGS, TS Bùi Đình Phong ( Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)