Từ năm 2023, các tỉnh sẽ cạnh tranh bằng chỉ số FTA

15:50 04/12/2022

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng một bộ chỉ số liên quan đến các FTA này, sẽ có các phương pháp điều tra, cách tính công bằng, khách quan, phản ánh một cách rõ ràng những nỗ lực mà các tỉnh, thành đã và đang làm được, có thể bắt đầu triển khai ngay từ năm 2023.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Chỉ số FTA là bộ chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh để đánh giá mức độ hỗ trợ doanh nghiệp của từng địa phương hội nhập (FTA Index).

Sau khi Việt Nam ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA (với châu Âu), UKVFTA (với Vương quốc Anh), Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi và căn cứ trên kế hoạch chung này, các bộ, ngành, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch thực thi của mình.

“Theo đánh giá của chúng tôi, đến nay, việc ban hành kế hoạch thực hiện của các địa phương ngày càng tích cực hơn, nhiều tỉnh thành đã đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng, từng lĩnh vực”, ông Khanh nói. Nhờ vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. 

“Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai con số cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh đã xác định được những mặt hàng chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu với kim ngạch tăng trưởng được ghi nhận”,ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch, đến năm 2022, Hà Nội đã có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước có tham gia các hiệp định và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước có ký kết các FTA mà Việt Nam là thành viên. 

“Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang các nước ký kết FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 ước đạt được khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội”, bà Oanh thông tin. 

Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Từ khi có các FTA thế hệ mới kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã có sự gia tăng đáng kể, đơn cử kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt mức tăng từ 0,75 cho đến 3 lần so với trước đó.

Để chủ động thúc đẩy hội nhập sâu rộng và triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã sớm phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định FTA khác.

Sở Công Thương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế của tỉnh, đã chủ động phối hợp với các Bộ, Cục thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ tại các nước cũng như các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản mà hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành nhiều hình thức khác nhau. Qua đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA.

Tuy nhiên, theo ông Cường, bên cạnh những khó khăn, thách thức khách quan, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về khả năng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế về năng lực, về xúc tiến thị trường và tiếp cận các đối tác, khách hàng chưa cao.

Trong thời gian tới, các FTA sẽ chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu và rộng hơn với những cam kết mạnh mẽ hơn. Đồng thời, những chính sách hội nhập đa phương của các thị trường trong các FTA đã ký kết với chúng ta cũng sẽ thay đổi.

Điều này đặt ra yêu cầu cần có thêm sự quan tâm đủ mạnh cũng như đổi mới cách thức hỗ trợ từ các địa phương để giúp doanh nghiệp có thể yên tâm bước vào giai đoạn hội nhập sâu hơn nữa. Công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA cũng cần hệ thống và kịp thời hơn nữa với các biện pháp hỗ trợ thực chất và hiệu quả hơn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cần hình thành hệ sinh thái kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan.

"Một chuỗi sinh thái như vậy cùng ngồi lại với nhau và xác định xem hiện nay để phát triển ngành này thì cần phải làm những cái gì. Chẳng hạn ở Long An có 25 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bây giờ 25 doanh nghiệp đấy ngồi với nhau để cùng bàn ra cần hỗ trợ những gì, cần làm những gì, quan trọng nhất là cần phối hợp chặt chẽ để tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, như vậy  chúng ta sẽ tăng hiệu quả rất lớn", ông Khanh chia sẻ.

Kế hoạch xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index) là một trong những sáng kiến, ý tưởng nhằm thực hiện đổi mới tư duy và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án.  

Ông Khanh cho biết, mục tiêu hướng tới của Bộ chỉ số FTA Index, theo tư duy của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index) mà chúng ta đã thấy có những hiệu quả rất lớn cho các địa phương thời gian qua, đó là giúp cho các tỉnh, thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA.

Hiện nay Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành thành lập một tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành. Tổ công tác này sẽ nghiên cứu phương pháp điều tra, phương pháp tính toán, xây dựng chỉ số như thế nào cho chính xác và công bằng, khách quan, thể hiện được một cách rõ ràng những nỗ lực mà các tỉnh, thành đã và đang làm.

"Bên cạnh việc xây dựng Tổ công tác, chúng tôi cũng bắt tay vào việc chuẩn bị các dữ liệu cũng như phương pháp cần thiết để làm sao khi Tổ công tác được thành lập chúng tôi có điều kiện đưa ra và bắt đầu Tổ công tác họp, trao đổi để có được phương pháp luận trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi hy vọng đầu năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index", ông Khanh chia sẻ.

Là một trong những đơn vị phối hợp cùng Bộ Công Thương xây dựng triển khai Bộ chỉ số FTA Index, ông Phạm Ngọc Thạch nhận định, Bộ chỉ số này có ý nghĩa rất lớn. Bởi nếu chúng ta không có được những thông tin, định lượng đo đếm, đánh giá được hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ thực thi các FTA như thế nào thì rất khó xác định được đâu là những điểm mạnh cần phải phát huy và những điểm yếu nào các cơ quan, địa phương cần quan tâm khắc phục để thúc đẩy tốt hơn nữa.

Theo ông Thạch, việc xây dựng và phát triển FTA Index sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở nhiều khía cạnh. Đối với các cơ quan Trung ương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng sẽ có được một công cụ chỉ đạo điều hành.

Với các địa phương, công cụ này tạo bước chuyển tốt hơn về mặt tư duy trong việc quan tâm thúc đẩy câu chuyện về hội nhập FTA trong thời gian tới, giúp cho các lãnh đạo các tỉnh, thành phố có thêm những thông tin để triển khai những chính sách của Trung ương trong lĩnh vực này.

Một lợi ích rất quan trọng khác, ở góc độ doanh nghiệp, FTA Index được kỳ vọng là kênh hiệu quả truyền tải phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, những người thụ hưởng chính sách về hội nhập FTA, từ đó họ có những kiến nghị chính sách để điều chỉnh giúp tận dụng được những cơ hội từ các FTA hiệu quả hơn.

Lâm Nghi