PV: Thủ tướng hiện đã có nhiều chính sách nhanh, quyết liệt để vực dậy nền kinh tế, để ứng biến với các khó khăn, cụ thể có thể kể đến như Giảm VAT, yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công,.. Vậy theo ông, trong thời gian qua, những chính sách như vậy đã đủ để doanh nghiệp được tiếp sức hay chưa?
Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Thời gian qua, nhờ những chính sách nhanh và quyết liệt từ Chính phủ, cộng động doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung đã có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm năm 2023, một số ngành dịch vụ như vận tải, du lịch nội địa, kinh doanh ăn uống, lưu trú đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng; giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; duy trì mặt bằng tỷ giá, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực vốn đang chịu nhiều biến động; bảo đảm các cân đối lớn, an ninh năng lượng, lương thực. Đây là yếu tố rất tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) luôn tin tưởng vào sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trước viễn cảnh tình hình thế giới, trước những ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid19, trong khi nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, dưới góc độ quan sát của Hiệp hội và phản ánh của doanh nghiệp hội viên, có thể nhận thấy một số khó khăn như sau.
Thứ nhất, hiện nay, ngành công chế biến chế tạo vẫn là một trong bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế (chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn bán lẻ và khoáng sản). Tuy nhiên, sự phát triển của nhóm ngành này vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid19, trong bối cảnh hiện nay, khi đơn hàng bị hạn chế, lãi xuất Ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng. Do đó, đa phần là sản xuất cầm chừng, cắt giảm lao động, không đầu tư mới, tâm lý dè dặt, nghe ngóng.
Thứ hai, tại các địa phương, nhiều dự án đầu tư về nhà ở, khu dịch vụ, thương mại, hạ tầng, khu công nghiệp, khu xử lý rác thải hiện bị dang dở, kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ cho DN, những dự án này có những vướng mắc, cả chủ quan, lẫn khách quan, như do pháp luật thiếu đồng bộ, các bộ có sai phạm bị xử lý….. Dẫn đến nhiều nguồn lực của DN đã đầu tư nhưng không đưa vào lưu thông được, DN ngày càng mất cân đối dòng tiền. Dẫn đến đổ vỡ hoặc mất phương hướng.
Thứ ba, tình trạng nợ xấu khá phức tạp, do không cân đối được dòng tiền, sản phẩm hàng hóa bị tồn đọng, nên nhiều DN trước đây làm ăn khá, giờ lâm vào cảnh nợ xấu, mất khả năng thanh toán, bị liên lụy bởi các chủ nợ khởi kiện tại tòa án, nhiều chủ DN phải tìm đến kênh vay nóng.
Thứ tư, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự kích hoạt được DN khối tư nhân vào cùng tham gia. Do thiếu cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, DN dè dặt khi tham gia đầu tư.
Thứ năm, việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chưa có chiến lược quy hoạch cụm công nghiệp nguồn nguyên liệu với các yếu tố về môi trường, tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, điều đó dẫn đến doanh nghiệp khó tận dụng thế mạnh từ các FTA đã ký kết.
Thưa ông, từ nhiều năm nay, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những chính sách vĩ mô của chính phủ đã có rất nhiều. Nhưng trên thực tế thì hiệu quả của các chính sách chưa được như kỳ vọng, để doanh nghiệp có thể tiếp cận là rất khó khăn. Vậy thì khi chính sách đã có rồi, các cơ quan đầu mối về quản lý muốn triển khai chính sách cần phải hoạt động quyết liệt thế nào để những đối tượng thụ hưởng được hưởng những hỗ trợ đó nhanh, hiệu quả và khả thi nhất?
Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Có 3 khốn khổ dai dẳng, luôn thường trực với phần lớn các doanh nghiệp là vốn; mặt bằng sản xuất kinh doanh; thủ tục hành chính cần sớm được giải quyết. Trong đó nhu cầu vay vốn, đang nóng lên từng ngày và là vấn đề cấp thiết, rất cần phải được giải quyết ngay để đáp ứng cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất như mua thiết bị máy móc, bổ sung vốn lưu động hoặc đầu tư khác của doanh nghiệp.
Có tới 80% DN không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, là cảnh báo nhiều hạn chế cần phải được cải thiện ngay. Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, dịch vụ hàng hoá của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tụt hậu so với thế giới chủ yếu là do khả năng tiếp cận vốn kém.(đặc biệt là vốn trung và dài hạn). Lãi xuất tín dụng cao khiến DN e ngại đầu tư, lo sợ sản xuất không đủ chi phí, do đó có tâm lý sản xuất cầm chừng, chờ đợi cơ hội
Có thể nói, điểm yếu nhất hiện nay vẫn là thực thi chính sách, công tác chỉ đạo điều hành còn nhiều bất cập, nhất là ở địa phương chưa đủ quyết liệt, thiếu đồng bộ và hiệu quả thấp. Do đó, tôi kiến nghị thành lập ngay ở Trung ương Tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy quá trình thực thi các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ kế hoạch & Đầu tư làm Tổ phó, các thành viên là đại diện các bộ. ngành, tổ chức đại diện doanh nghiệp Trung ương và một số chuyên gia về kinh tế và pháp luật. Chính phủ, (cần thiết thì UBTV Quốc hội) ban hành một nghị quyết trao thẩm quyền đủ mạnh cho Ban công tác trên cơ sở chương trình hành động quy mô toàn quốc và tổng thể, có mục tiêu kế hoạch cụ thể, để giải quyết các vấn đề thiết thực cho môi trường sản xuất kinh doanh. Trong đó, trước mắt tập trung giải quyết tháo gỡ vào 3 vấn đề là vốn, thủ tục hành chính, và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Theo tôi, tổ chức thực hiện mới là vấn đề mấu chốt dẫn đến thành công, nhiều bằng chứng trong quá khứ đã cho thấy ở Việt Nam trong lúc cấp bách việc thành lập các tổ công tác đặc biệt như vậy sẽ thúc đẩy khả năng phản ứng chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực điều hành của các cấp quản lý.
Ngoài ra, cũng cần rà soát loại bỏ ngay một số quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đặc biệt là vốn đầu tư công để nhanh chóng tạo cầu cho thị trường nội địa để bù đắp sự sụt giảm của thị trường thế giới.
Vậy trước những khó khăn và thách thức phải đối mặt, Hiệp hội có những kiến nghị, đề xuất gì với cơ quan nhà nước trong việc xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp?
Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Trên cơ sở kết quả đạt được, và những khó khăn đang thách thức trước mắt, Hiệp hội có những kiến nghị và đề xuất như sau.
Đầu tiên, chính phủ tiếp tục chỉ đạo điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, chủ động đưa ra các phương án ứng phó với các tình huống phát sinh; có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, trước áp lực về chi phí sản xuất, thị trường bị thu hẹp.
Thứ hai, cần sớm phê duyệt Quy hoạch các cụm công nghiệp về nguyên liệu, phụ liệu trong nước, vùng nguyên liệu trong nước với các tiêu chuẩn về môi trường, kỹ thuật, để tận dụng lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định FTA, đồng thời để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam tại hội nghị Cop 26 về biến đổi khi hậu.
Thứ ba, lãnh đạo các ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, tháo gỡ từng dự án cụ thể, khơi thông điểm nghẽn về pháp lý trong các dự án, (do bối cảnh lịch sử thời điểm đó pháp luật chưa đầy đủ, cán bộ sai phạm đã bị xử lý, nay cán bộ mới lên thay, không dám giải quyết). Vì vậy, nên thành lập Ban chỉ đạo tại các tỉnh để tháo gỡ, cụ thể từng dự án.
Thứ tư, cần tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, các ngành kinh tế có thế mạnh, nên chuyển cách thức hỗ trợ từ bề rộng sang bề sâu.
Thứ năm, cần xây dựng đề án, chương trình liên kết kinh tế liên vùng, kết nối doanh nghiệp liên tỉnh khi các tuyến cao tốc đã hoàn thành tạo mạng lưới giao thông thuận tiện. Phát huy lợi thế, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công, đồng thời tạo động lực, cơ chế để thu hút vốn tư nhân, sau khi vốn đầu tư công đã được kích hoạt.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Bảo Bảo (t/h)