Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Nghị định EPR lần này đã thể hiện sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc cụ thể hóa trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm sau sử dụng. Tuy nhiên, đại diện CropLife Việt Nam cho biết: Tại Khoản 2b Điều 19, nội dung yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí hỗ trợ tái chế là cần thiết, nhưng phụ lục lại thiếu hướng dẫn chi tiết. Điều này có thể khiến các địa phương nộp hồ sơ không đầy đủ, làm gián đoạn triển khai.
Doanh nghiệp đề nghị cần bổ sung cơ chế phản hồi và thời hạn xử lý trong trường hợp hồ sơ bị thiếu sót – một chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong thực tiễn điều hành.
![]() |
Dự thảo Nghị định EPR: Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách “thực chất, khả thi” |
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) đánh giá cao nỗ lực xây dựng chính sách EPR, xem đây là “hệ thống khuyến khích kinh tế tuần hoàn mang tính tiến bộ”. Tuy nhiên, đại diện BritCham cũng thẳng thắn chỉ ra: Doanh nghiệp đang tự nguyện sử dụng vật liệu tái chế, nhất là trong bao bì nhựa, nhưng lại chưa nhận được cơ chế khuyến khích nào rõ ràng từ phía nhà nước.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu tái chế vẫn cao hơn vật liệu nguyên sinh, việc thiếu ưu đãi sẽ làm triệt tiêu động lực đầu tư. Đây là điểm nghẽn đáng lưu ý nếu Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp tái chế một cách bài bản và có hệ thống.
Theo Khoản 2 Điều 5, tỷ lệ tái chế bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ ba năm một lần, với mức tăng không vượt quá 10%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, điều này vẫn có thể tạo áp lực lớn nếu không dựa trên đánh giá năng lực thực tế của ngành tái chế nội địa.
“Bao bì nhựa mềm hiện gần như chưa có công nghệ tái chế hiệu quả trong nước. Nếu áp mức cao mà không có hỗ trợ công nghệ hoặc thị trường tiêu thụ đầu ra, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn kép về chi phí và tuân thủ,” đại diện một doanh nghiệp sản xuất nêu rõ.
Điều 9 của dự thảo quy định mức đóng góp tài chính Fs cho từng loại sản phẩm và bao bì. Tuy nhiên, theo phản ánh từ doanh nghiệp tái chế, Fs đang được sử dụng để định giá vật liệu tái chế – dẫn đến hiện tượng “thu tiền hai lần”.
“Ngay cả khi nhà sản xuất chủ động thu gom, phân loại, mua lại nhựa tái chế, họ vẫn phải nộp thêm phí Fs. Đây là điểm bất hợp lý cần điều chỉnh. Chính sách EPR nên khuyến khích tái chế thay vì tạo gánh nặng kép cho doanh nghiệp,” đại diện BritCham khẳng định.
Đề xuất được đưa ra là: Fs nên để thị trường điều tiết, và cần có cơ chế miễn giảm cho các trường hợp doanh nghiệp chủ động tái chế đạt chuẩn.
Panasonic Việt Nam góp ý tại Điều 4 – đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế. Hiện dự thảo chỉ nêu ba trường hợp đặc thù, chưa bao quát tình huống phổ biến là: doanh nghiệp chế xuất bán hàng cho thương nhân nội địa. Do vậy, đề nghị bổ sung rõ ràng rằng: “Doanh nghiệp chế xuất là đối tượng thực hiện EPR trong trường hợp sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam”.
Khoản 2 Điều 13 quy định mức hỗ trợ tài chính tối đa cho từng nhóm sản phẩm (10 – 20 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức này nên được điều chỉnh linh hoạt, theo độ khó trong công nghệ và thực trạng thị trường.
Một ví dụ được nêu: nhựa cứng TPE đã có thị trường tái chế ổn định, nhưng bao bì nhựa mềm thì chưa có đầu ra thương mại hiệu quả. Do đó, kiến nghị cần có gói hỗ trợ riêng cho vật liệu khó tái chế – nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ và đầu tư dài hạn.
Ghi nhận từ hội thảo cho thấy, dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến trước đó và có một số thay đổi đáng chú ý: Giảm tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với dầu hộp số và bôi trơn xuống 0% (tách khỏi dầu động cơ). Với pin sạc nhiều lần dùng cho ô tô điện, dự thảo mới cũng đưa về 0% trong 3 năm đầu (từ 2026), chờ cơ quan chức năng đánh giá tác động thực tế trước khi áp dụng.
Đây được xem là cách tiếp cận linh hoạt, lấy thực tiễn làm căn cứ chính sách – đặc biệt quan trọng khi EPR vẫn là cơ chế mới, nhiều bên liên quan còn trong giai đoạn “học và làm”.
Phát biểu kết luận, ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Môi trường – nhấn mạnh: “EPR là chính sách mang tính cách mạng trong quản lý môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết tại COP26. Tuy nhiên, EPR phải thực chất và khả thi. Dự thảo Nghị định EPR lần này là bước đi nhằm thể chế hóa trách nhiệm, song vẫn cần lắng nghe thêm để hoàn thiện.”
Hội thảo đã ghi nhận tổng cộng 13 ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội. Cơ quan soạn thảo khẳng định sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và khả năng thực thi cao nhất cho Nghị định khi ban hành chính thức.