“Trùm xây dựng” Lê Viết Hải và câu chuyện căng buồm đưa tên con thuyền Hòa Bình ghi danh mình trên biển lớn

09:13 09/03/2021

Trải qua nhiều thăng trầm khốn khó với thử thách của thời gian trong hơn 3 thập kỉ. Ông Lê Viết Hải với tầm nhìn rộng của một doanh nhân, kiên trì thực hiện hoài bão và sứ mệnh của mình để đưa Tập đoàn Hòa Bình trở thành tập đoàn xây dựng hàng đầu...

Doanh nhân Lê Viết Hải
Doanh nhân Lê Viết Hải. (Ảnh: Internet)

Ông Lê Viết Hải là một doanh nhân người Việt Nam sinh ngày 12/11/1958 tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình tri thức có 11 anh chị em. Cha ông là Lê Mộng Đào, từng là hiệu trưởng thứ 2 Trường Bồ Đề ở Huế (nay là THCS Thống Nhất), ông cũng là cư sĩ duy nhất giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Bồ Đề; một trường thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mẹ ông là bà Trần Thị Tuyết, làm kinh doanh buôn bán nhỏ.

Quay lại về những thước phim của thì quá khứ, chập chững bước đi những bước đầu tiên bằng đôi chân mình trên con đường lập nghiệp không trải hoa hồng. Người thanh niên Lê Viết Hải ngày ấy dù có trải qua bao gian truân và thử thách của guồng quay cuộc đời vẫn giữ được sự kiên trì, không ngại khó khăn và không lùi bước trước thách thức, luôn tự hào với dòng máu nóng “con rồng, cháu tiên” của dân tộc Việt Nam mình đang mang. Là một dân tộc nhỏ bé nhưng mang trong mình sức mạnh phi thường để làm nên những điều phi thường.

Khởi nghiệp cùng xây dựng Hòa Bình

Tuy hoàn cảnh gia đình không dư giả là bao nhưng ông vẫn được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp với tấm bằng Kiến trúc sư của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân vào làm việc tại Công ty Quản lý Nhà với công việc thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân trong 2 năm.

Năm 1987, ông Hải thành lập và làm giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. Ban đầu với số lượng nhân viên ít ỏi là 5 kỹ sư cùng với 20 người, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân. Đội ngũ tuy còn non trẻ nhưng với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đã được các chủ đầu tư hài lòng, ngợi khen và không ngần ngại giới thiệu những khách hàng mới. 

Năm 2000, ông Hải trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP XD & KD Địa ốc Hòa Bình (thành lập vào ngày 01/12/2000, vốn điều lệ hơn 56,4 tỉ đồng) dựa trên nền tảng và đội ngũ nhân viên của văn phòng cũ. Đến năm 2006, cổ phiếu Hòa Bình (mã cổ phiếu: HBC) chính thức được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Có thể nói, năm 2006 là mốc son trong lịch sử phát triển của Hòa Bình khi mô hình doanh nghiệp đã được hình thành rất rõ nét và một đường băng vững chắc đã được tạo dựng cho con tàu Hòa Bình cất cánh bay cao và bay xa hơn nữa.

Đến nay, Tập đoàn Hòa Bình do ông Hải điều hành đã thi công gần 400 công trình bao gồm 80 công trình đang thi công trải dọc từ Bắc đến Nam, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động hoạt động trên khắp cả nước và tại thị trường quốc tế như Malaysia, Myanmar.

Hiện tập đoàn Hòa Bình là doanh nghiệp xây dựng lớn thứ hai Việt Nam với doanh thu hơn 18.600 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng. Hòa Bình cùng với Coteccons là hai thương hiệu nhà thầu xây dựng uy tín nhất Việt Nam, được nhiều chủ đầu tư lựa chọn và đánh giá cao.

Những cơn sóng lớn đã vượt qua

Câu ngạn ngữ “Thuyền to, sóng lớn” quả không sai với công ty xây dựng có bề dày 34 năm hoạt động như tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Chủ tịch Lê Viết Hải kể lại:

Đó là giai đoạn 2011 – 2013, năm 2014, thị trường vẫn còn khó nhưng đã có dấu hiệu khởi sắc. Thời gian đó, chủ đầu tư dự án (chủ yếu là BĐS nhà ở) không có tiền thanh toán cho nhà thầu, chúng tôi phải gồng gánh cho họ. Tôi nghĩ, nếu chúng tôi “buông tay” thì họ vỡ nợ, họ thiệt hại, DN mình cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Bởi công trình dở dang, Hòa Bình ngưng thi công thì họ không bán được sản phẩm, làm sai cam kết, phải trả lại tiền cho khách hàng. Nếu vậy thì họ lấy đâu ra tiền để trả cho nhà thầu, thế nên chúng tôi phải đi vay tiền để thi công hoàn chỉnh dự án. Đó cũng là thời điểm khoản nợ ngân hàng của Hòa Bình tăng đáng kể, nhưng quan điểm của tôi là “cứu người cũng là cứu mình”, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi.

Tuy nhiên, để làm điều này, chúng tôi đã phải đánh giá tình hình thật cụ thể, cặn kẽ, dự án nào nên cứu và mức độ giải cứu đến đâu, không thể làm một cách tự phát, không có kế hoạch, bởi với quy mô công ty như Hòa Bình, chỉ cần một quyết định không chuẩn xác thì cũng giống như bạn vẽ một công trình nhưng lại tính toán sai số liệu. 

(Nguồn: Internet)

Xây dựng những dự án bất động sản khổng lồ

Những dự án bất động sản đầu tiên mà ông Hải xây dựng như: khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (TPHCM), khách sạn International, Food Center of Saigon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments.

Tiếp đó, ông Lê Viết Hải hướng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thực hiện các công trình Nhà máy nước ép trái cây Delta (Long An). Tương tự, các công trình làm nên tên tuổi Hòa Bình như: Saigon Sky Garden Apartments, Stamford Court, Riverside Aparment, Legen Hotel, Melinh Point Tower, Ocean Place (nay đổi tên là Sheraton Plaza)…

Một số dự án xây dựng có quy mô lớn như: Dự án Saigon Centre giai đoạn 2, The Ascent Condominiums, Estella Heights, dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay Đà Nẵng...

Ngày 18/08/2020, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cùng ông lớn Vingroup chính thức cất nóc Tòa P10 thuộc lô F5 CH1 thuộc dự án Vinhomes Smart City.

Không dừng lại thị trường trong nước, ông Hải dẫn dắt đội ngũ nhân viên Hòa Bình bước chân ra thị trường xây dựng nước ngoài. Hiện nay, Tập đoàn Hòa Bình hợp tác với tập đoàn UOA của Malaysia để xây dựng dự án khu dân cư Le Yuan gồm 670 căn hộ có bãi biển nhân tạo ngay tại thủ đô Kuala Lumpur. Không chỉ có Malaysia, Hòa Bình lại tiếp tục tìm kiến cơ hội tại thị trường mới đầy triển vọng như Myanmar, Lào.

Chuyển giao cho con trai 28 tuổi

Sau khi liên tục đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc trong 33 năm từ khi thành lập Hòa Bình năm 1987 đến 22/07/2020 trước khi nhường vị trí cho con trai là Lê Viết Hiếu

Như vậy, ông Lê Viết Hải sẽ không còn kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc từ ngày 23/07/2020. Thời điểm này cũng chỉ còn cách hạn cuối cho các công ty đại chúng hoàn tất tách bạch hai chức danh trên theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực vào ngày 01/08/2020.

CEO mới của Xây dựng Hòa Bình sinh năm 1992 tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại trường California Polytechnic State University (Mỹ).

Sau khi làm việc hai năm ở vị trí chuyên viên tín dụng của Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, 9X này đã làm việc tại Hòa Bình từ năm 2016 với vai trò Phó giám đốc phát triển thị trường nước ngoài. Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc phát triển thị trường nước ngoài của Hòa Bình và bổ nhiệm lên chức Phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc vào tháng 5/2019.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên của Hòa Bình vào ngày 24/06/2020, ông Lê Viết Hiếu được bầu làm thành viên HĐQT tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Hiện ông Lê Viết Hiếu đang sở hữu trực tiếp hơn 1 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 0,46% cổ phần. 

Nói về việc kế thừa, tân Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu khẳng định không có nhiều áp lực. Ông Hiếu tự nhận mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ở vị trí mà nhiều người không có được. Do đó, ông Hiếu tự nhận thấy cơ hội đến thì phải nắm bắt, vận dụng nó tốt nhất và nhận biết trách nhiệm của mình; hiểu về những hoài bão mà người sáng lập, Chủ tịch và là người cha đã gây dựng suốt 33 năm qua.

TH