Triết lý kinh doanh "3 không" của CEO công ty sản xuất chip nghìn tỷ USD

17:17 20/09/2023

Năm nay, Nvidia đã đạt vị thế tập đoàn sản xuất chip bán dẫn có giá trị cao nhất trên thế giới, với mức định giá vượt mốc 1 nghìn tỷ USD. Mặc dù đạt được thành tựu lớn như vậy, CEO của công ty này vẫn theo đuổi triết lý kinh doanh "3 không".

Ảnh minh họa

1. Chia sẻ định hướng chiến lược, không có kế hoạch vững chắc

Bằng cách công khai chia sẻ chiến lược công ty với mọi nhân viên, ông Huang mong muốn tiếp nhận phản hồi từ nhiều góc độ khác nhau. Phương pháp tiếp cận tập thể này được xây dựng để tận dụng trí thông minh và chuyên môn của toàn bộ tổ chức, dẫn đến việc xây dựng các chiến lược tinh tế và độc đáo. 

Liên quan đến việc lập kế hoạch, Huang tin rằng những kế hoạch dài hạn và cứng nhắc đôi khi có thể bị hạn chế do một vài tác nhân không thể lường trước. Do đó, ông không thiết lập các kế hoạch dài hạn hay thậm chí cả ngắn hạn. Thay vào đó, Nvidia áp dụng một phương pháp tiếp cận linh hoạt, liên tục đánh giá lại chiến lược của mình dựa trên tình hình thị trường và sự phát triển liên tục trong lĩnh vực kinh doanh. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực AI, nơi khả năng thích ứng có thể là một ưu điểm quan trọng.

Để kịp thời đưa ra quyết định và cập nhật thông tin thực tế, Huang đã loại bỏ việc cập nhật tình hình của tập đoàn thông qua các bản báo cáo. Thay vào đó, ông khuyến khích mọi nhân viên gửi email cho ông về những điều mà họ nghĩ cần được xem xét ngay lập tức. Mỗi sáng, ông dành thời gian để đọc và xem xét khoảng 100 email như thế này, đảm bảo rằng ông có cái nhìn sâu sắc về tình hình thực tế của công ty.

2. Hãy suy nghĩ sáng tạo, rời bỏ thị trường phổ thông hóa

Huang cho rằng, sứ mệnh cốt lõi của Nvidia là đối mặt với những thách thức vượt ngoài khả năng hiện có và đẩy mạnh giới hạn về những gì máy tính thông thường có thể đạt được thay vì chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề điện toán thông thường.

Thực tế đã chứng minh sự tin tưởng của Huang vào việc rời bỏ các mảng kinh doanh hoặc lĩnh vực đã trở nên quá phổ biến. Cách tiếp cận này đóng góp không nhỏ vào sự phát triển công nghệ và tạo nên sự đặc biệt cho Nvidia.

Tuy nhiên, việc đưa ra những quyết định mà không tuân theo chuẩn mực hoặc các kịch bản đã được thiết lập có thể đối diện với nhiều thách thức.

Thay vì tuân theo các quy tắc đã được thiết lập sẵn, Huang chọn cách chia nhỏ các vấn và xây dựng giải pháp từ đó. Ông cho rằng, cách tiếp cận này khuyến khích tư duy sáng tạo và thường dẫn đến những giải pháp đột phá mà các phương pháp truyền thống có thể bỏ qua.

3. Tôn trọng mọi ý kiến của nhân viên, không phân chia cấp bậc

Huang quản lý Nvidia theo cấu trúc bình đẳng. Ông duy trì một mô hình mà tất cả cấp dưới đều có thể trực tiếp liên hệ với mình thay vì tổ chức cuộc họp một đối một.

Ở Nvidia, không có sự giới hạn về cấp bậc hay vị trí công việc. Theo triết lý của Huang, tất cả, từ các Phó chủ tịch cho đến nhân viên cấp thấp, đều có quyền trao đổi thông tin và tham gia vào bất kỳ cuộc họp nào.

Triết lý này của Huang tập trung vào ý tưởng rằng khi cần đưa ra hướng dẫn hoặc quyết định chiến lược, tại sao lại phải giới hạn thông tin cho một số ít người được chọn?

H.C (t/h)