Sáng 8/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội, trực tuyến với điểm cầu tại 63 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; ngân hàng có tính dân tộc, khoa học và đại chúng; bày tỏ vui mừng khi trong năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, người dân vẫn gửi 13,5 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, cho thấy đời sống nhân dân được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng cho biết, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới. Trong những thành tựu và kết quả đạt khá toàn diện đó có sự đóng góp tích cực và quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành Ngân hàng.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập như: phản ánh chính sách trước tình hình cần kịp thời hơn. Một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự linh hoạt, sát tình hình. Công tác phối hợp với các bộ, ngành cần chặt chẽ hơn. Công tác thanh tra, giám sát cần hiệu quả hơn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.
"Ngành Ngân hàng không được để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ; không để ách tắc trong hệ thống ngân hàng; phải giúp đỡ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn; không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong hệ thống ngân hàng; phục vụ phát triển nhanh, bao chùm, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời; chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác, với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4 - 4,5%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Phải điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chấm dứt cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, khách hàng lớn.
Ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi; triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết như: tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra; đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái số để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế; tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hoạt động tiền tệ, ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bắt kịp với xu thế, chuẩn mực, thông lệ quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ; kiện toàn nhân sự các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phân tích dự báo, đội ngũ cán bộ thanh tra giám sát, lực lượng Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; đảm bảo tinh nhuệ hơn, tinh gọn hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn nữa.
Đối với các tổ chức tín dụng, hiệp hội ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Kế hoạch, chương trình hành động của năm 2024 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động…nhằm tiết giảm chi phí, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thủ tướng nhắc nhở, các ngân hàng phải nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh, vì doanh nghiệp, người dân và cộng đồng; chủ động, tích cực, dẫn dắt tiến trình tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh…
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, Thủ tướng tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, với kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023; góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Hội nghị đánh giá, năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng đã kịp thời điều chỉnh chính sách và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Các giải pháp điều hành và những kết quả ngành Ngân hàng đạt được góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2 - 3,4%. Ngân hàng Nhà nước liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế; cùng với đó đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng…
T.H