Xã Tràng Sơn có diện tích tự nhiên 931,25 ha, có 2.696 hộ dân với 10.594 nhân khẩu, được phân bố trên 7 xóm. Năm 2022, Tràng Sơn đã đạt chuẩn xã Nông thôn mới (NTM) nâng cao. Về thăm lại Tràng Sơn hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của một xã vùng quê xứ Nghệ. Tràng Sơn bây giờ như phố giữa làng, nhà mái bằng xen kẽ với nhà mái ngói, đường làng, ngõ xóm bê tông hóa phong quang. Con đường “huyết mạch” vào xã được rải nhựa phẳng lì, trường học, trạm y tế, công sở… được xây dựng khang trang, sạch đẹp. 100% tuyến đường được đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và đèn năng lượng mặt trời, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Toàn bộ hệ thống kênh tưới của xã có 15 km kênh chính đã được bê tông hóa 100%, có 4 trạm bơm phục vụ tưới cho 174,75 ha, có 2 hồ đập với lượng nước khoảng 380.000 m3, đảm bảo tưới cho 14 ha diện tích đất lúa, màu… Những đổi thay ấy đã tạo nên một diện mạo mới, khác hẳn với hình ảnh của một Tràng Sơn trước đây. Có thể thấy, diện mạo của Tràng Sơn hôm nay thực sự đã bước lên tầm cao mới…
Nhìn lại hành trình Tràng Sơn thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội, ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế còn thiếu thốn… Những khó khăn ấy đã đặt ra nhiều thách thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây. Song, bằng tinh thần không quản ngại khó khăn, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tràng Sơn đã tận dụng các nguồn lực để tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở… Thế rồi, bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân nên vào năm 2016, Tràng Sơn đã về đích NTM.
Trên cơ sở xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên sau khi về đích NTM, Tràng Sơn đã tập trung vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao bằng việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí theo hướng bền vững. Tràng Sơn xây dựng NTM và NTM nâng cao bằng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhờ vậy, Tràng Sơn đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ thực tiễn cho thấy, ở Tràng Sơn, việc xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Nhân dân Tràng Sơn tích cực tham gia các phần việc như góp công, góp của để thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động. Tất cả các xóm của xã Tràng Sơn đều đồng lòng và quyết tâm cao trong việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Những con đường kiểu mẫu đạt tiêu chí NTM gắn với đường hoa, đường cờ và điện chiếu sáng được xây dựng… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ở Tràng Sơn đã thực sự khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân để tạo nguồn lực từ nhân dân, "lấy sức dân để lo cho dân", "nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM và nhân dân là người trực tiếp thụ hưởng”. Theo đó, trong những năm qua, Tràng Sơn đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, đa dạng các ngành nghề nên thu nhập bình quân đầu người của Tràng Sơn liên tục tăng (năm 2022 đạt 71,96 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ khá và hộ giàu ngày một tăng cao. Tựu trung, các mô hình kinh tế của Tràng Sơn đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng với nội dung của Chương trình xây dựng NTM. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát huy lợi thế của mình, Tràng Sơn đã tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp (mộc cao cấp, sản xuất vật liệu xây dựng), kinh doanh vận tải. Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp như phát triển kinh tế vườn đồi, sản xuất dưa bí, sản xuất miến, bánh đa... Hiện, Tràng Sơn đã có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao là dược liệu Cao Cà Gai Leo và Giò Bê Thu Dũng. Nhờ chú trọng thực hiện Đề án “Xuất khẩu lao động, tạo việc làm” nên toàn xã hiện có hơn 200 người đang lao động đang làm việc ở nước ngoài và gần 2.500 lao động kinh doanh, buôn bán ở các tỉnh phía Nam, tạo ra một nguồn thu lớn trong tổng thu nhập xã hội.
Song song với quá trình phát triển kinh tế, Tràng Sơn luôn chú trọng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Vì vậy, lĩnh vực văn hóa xã hội của Tràng Sơn có nhiều khởi sắc, 100% hộ dân của xã Tràng Sơn có phương tiện nghe nhìn, tỷ lệ hộ dân có hệ thống cáp đồng, cáp quang cung cấp kết nối mạng Internet ngày càng tăng. Hệ thống đường làng có điện chiếu sáng, biển báo giao thông và gờ giảm tốc. 7/7 xóm có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được toàn dân hưởng ứng. Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt 85 - 95% và 7/7 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa. Về giáo dục, cả 3 trường học đều đạt chuẩn Quốc gia, trong đó trường Tiểu học và Mầm non đạt chuẩn mức độ 2. Trường THCS đang được đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng tại vị trí mới và phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 vào năm học 2024 -2025. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm. 7/7 xóm có quỹ khuyến học, nhiều dòng họ có quỹ khuyến học. Tràng Sơn là xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được đảm bảo, không có vụ việc phức tạp, điểm nóng xảy ra. Nhiều năm qua, Đảng bộ xã Tràng Sơn được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên hàng năm đều được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, Tràng Sơn đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp và huy động nguồn lực đầu tư gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, rà soát và đánh giá thực tế các tiêu chuẩn quy định về hạ tầng kinh tế – xã hội của tiêu chí xã NTM nâng cao. Xác định đúng nhu cầu nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tiếp tục phát huy hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và vận động, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa… Bên cạnh đó, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền để toàn dân hiểu được lợi ích thiết thực của Chương trình MTQG về xây dựng NTM, nên mọi tầng lớp nhân dân của xã Tràng Sơn đã đồng lòng, chung sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao. Thật đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai xây dựng NTM nâng cao từ năm 2017 - 2022, Tràng Sơn đã huy động các nguồn lực được 32 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng.
Có thể khẳng định rằng, Tràng Sơn về đích NTM nâng cao là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để Tràng Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững trên hành trình xây dựng xã NTM ở chặng đường tiếp theo. Đặc biệt, Tràng Sơn đạt chuẩn xã NTM nâng cao đã góp phần vào thành tích chung của huyện Đô Lương cũng như của tỉnh Nghệ An trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hoàng Lan