Thông tin từ Công ty Chứng khoán SSI, năm 2021 các DN đã phát hành tổng cộng 722,7 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm tới 91% tổng lượng phát hành trái phiếu DN. Thị trường trái phiếu DN đã tăng trưởng nóng, với quy mô từ 4,93% GDP năm 2017, lên tới 16,6% GDP năm 2021.
Các DN bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tộng cộng 318,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các DN bất động sản phát hành tăng từ 141 DN năm 2020 lên 193 DN trong năm 2021.
Chênh lệch lãi suất trái phiếu DN phi ngân hàng so với lãi suất tiền gửi từ 4-5%/năm, khiến nhu cầu tăng cao. Nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao từ 10,3%-10,6%/năm.
Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.
Báo cáo của SSI cho biết, số trái phiếu DN đáo hạn trong năm 2022 ước khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu DN đang lưu hành.
Việc phát hành trái phiếu DN để đảo nợ sẽ khó khăn hơn trong năm 2022. Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, đã ngăn chặn các ngân hàng thương mại mua trái phiếu DN, để giúp các DN đảo nợ.
Theo đó, các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ; không được mua trái phiếu DN phát hành để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác; không được mua trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu DN cho công ty con của mình. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu DN khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%...
PV