Mục tiêu trên được Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh công bố trong bối cảnh cấu trúc đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh, khi các doanh nghiệp quốc tế ngày càng chú trọng chiến lược chuỗi cung ứng linh hoạt, an toàn và bền vững. Theo đó, phần vốn dự kiến thu hút gồm: 600 triệu USD tại các khu công nghiệp thuộc TP. Hồ Chí Minh cũ, 1,88 tỷ USD tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu cũ và 1,25 tỷ USD tại Bình Dương cũ.
“Đây là giai đoạn tái cấu trúc toàn diện về chiến lược thu hút đầu tư. Thành phố sẽ tập trung vào các dòng vốn mang tính lan tỏa, dẫn dắt công nghệ, thay vì chỉ dựa vào lợi thế chi phí sản xuất thấp như trước kia”, ông Lê Văn Thinh, Trưởng Ban Quản lý nhấn mạnh.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng thu hút hơn 3,7 tỷ USD vào các khu công nghiệp |
Từ “thu hút đại trà” sang “chọn lọc chiến lược”
Theo ông Thinh, trong môi trường đầu tư ngày càng nhiều biến động, các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cần chuyển từ tư duy “đón dòng vốn đại trà” sang “chọn lọc chiến lược”, tập trung vào các ngành then chốt như vi mạch, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, trung tâm dữ liệu, phần mềm, R&D.
Những lĩnh vực này không chỉ tạo giá trị gia tăng cao mà còn tránh được rủi ro thương mại quốc tế như chính sách thuế trừng phạt hoặc hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, các nhà đầu tư vào những ngành này có xu hướng gắn bó dài hạn và dễ lan tỏa công nghệ, nâng cấp năng lực công nghiệp trong nước.
Mô hình khu công nghiệp thế hệ mới
Để hiện thực hóa mục tiêu đầu tư, TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai cơ chế đặc biệt theo Điều 36a của Luật số 57/2024/QH15, cho phép tích hợp nhiều thủ tục pháp lý (đầu tư, xây dựng, môi trường, PCCC) vào một quy trình rút gọn. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ bám sát các dự án lớn đã đề xuất, đồng hành cùng nhà đầu tư tiềm năng trong giai đoạn khảo sát và chuẩn bị đầu tư. Việc tạo lập và làm sạch quỹ đất, triển khai các khu công nghiệp mới, cũng như kiên quyết xử lý các dự án treo, sử dụng đất không hiệu quả là những hành động mang tính quyết liệt và triệt để.
Chắp cánh cho doanh nghiệp nội – kết nối chuỗi FDI toàn cầu
TP. Hồ Chí Minh không chỉ nhắm đến dòng vốn ngoại mà còn thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cấp công nghệ, mở rộng sản xuất và kết nối sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp công nghệ cao, cùng với chương trình kết nối doanh nghiệp nội với các tập đoàn FDI đang hoạt động trên địa bàn sẽ được đẩy mạnh. Song song, thành phố tăng cường kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức quốc tế như JETRO, EuroCham, AmCham, tạo cầu nối vững chắc để tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược.
Theo ông Thinh, khả năng dự báo và phản ứng chính sách nhanh chóng là điều kiện tiên quyết giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vị thế là trung tâm đầu tư công nghiệp chiến lược của khu vực phía Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đối mặt với các cú sốc địa chính trị, biến động thương mại và cạnh tranh chuỗi cung ứng.
“Chúng ta không thể chỉ ngồi chờ dòng vốn. TP. Hồ Chí Minh phải chủ động tạo lập sân chơi bằng hạ tầng tốt hơn, chính sách thông thoáng hơn, thủ tục gọn nhẹ hơn và một chiến lược đầu tư có chiều sâu”, ông Thinh khẳng định.
Với định hướng đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao và phát triển xanh, TP. Hồ Chí Minh đang khẳng định bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy thu hút đầu tư, từ lượng sang chất, từ mở rộng sang tinh gọn, và từ phản ứng sang chủ động.