Giữ ổn định trong giai đoạn chuyển tiếp, hướng đến hệ thống y tế đồng bộ và tinh gọn
Hiện toàn thành phố có 443 trạm y tế phường, xã đang hoạt động. Trong thời gian chuyển tiếp 60 ngày theo Đề án đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt, các trạm y tế hiện hữu vẫn duy trì chức năng, nhiệm vụ như hiện nay nhằm đảm bảo ổn định hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh Văn phòng điều hành, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau giai đoạn này, Sở Y tế Thành phố sẽ triển khai mô hình mới với 168 trạm y tế phường, xã tương ứng với các đơn vị hành chính mới, cùng với 296 điểm y tế trên toàn địa bàn. Căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các trạm và điểm y tế sẽ được xây dựng lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn vận hành.
![]() |
Ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh Văn phòng điều hành, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. |
Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các trung tâm y tế khu vực chủ động bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo điều kiện để ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) tại các trạm và điểm y tế, đặc biệt đối với các đơn vị chưa triển khai BHYT. Công tác điều phối nhân sự sẽ do Giám đốc các trung tâm y tế phụ trách, bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với từng địa bàn.
38 Trung tâm y tế khu vực – mô hình chủ lực tuyến cơ sở
Từ 38 trung tâm y tế quận, huyện hiện nay (trong đó có 17 đơn vị có giường bệnh và 21 đơn vị không có giường bệnh), TP. Hồ Chí Minh sẽ chuyển đổi thành 38 trung tâm y tế khu vực, chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ chuyên môn cho 168 trạm y tế.
Đáng chú ý, 4 trung tâm y tế nội trú tại các quận 3, 5, 10 và huyện Cần Giờ sẽ được chuyển đổi thành trung tâm y tế khu vực không giường bệnh. Cơ sở hạ tầng hiện hữu sẽ được xem xét chuyển đổi công năng thành các mô hình phù hợp hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Đồng thời, lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế tại các trung tâm này sẽ được điều chuyển, bổ sung cho hệ thống trạm y tế tuyến xã, phường nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Mở rộng mạng lưới cấp cứu, đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân
Đối với hệ thống cấp cứu 115, hiện TP. Hồ Chí Minh có 1 trung tâm điều phối và 45 trạm cấp cứu vệ tinh, chủ yếu tập trung tại các khu vực cũ. Trong thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới trạm vệ tinh trên toàn địa bàn mới, bảo đảm khả năng ứng cứu nhanh chóng và hiệu quả trên phạm vi rộng.
Đối với việc phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có tổng cộng 162 bệnh viện, bao gồm 12 bệnh viện tuyến Trung ương/Bộ ngành, 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa và 90 bệnh viện ngoài công lập. Khối y tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh với khoảng 9.886 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và 15.611 cơ sở kinh doanh dược, nhà thuốc – góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng của người dân.
Song song, hệ thống bảo trợ xã hội cũng được kiện toàn với 110 trung tâm trên toàn thành phố, trong đó có 15 trung tâm công lập và 95 trung tâm ngoài công lập.
![]() |
Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe đa dạng của người dân. |
Tái cấu trúc các đơn vị chuyên môn để nâng cao hiệu quả quản lý
Đại diện từ Sở Y tế Thành phố cũng thông tin thêm, Sở Y tế đang trình UBND Thành phố phương án hợp nhất các trung tâm không giường bệnh có cùng chức năng, tên gọi như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Giám định pháp y,… nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo và tăng hiệu suất vận hành, phù hợp với định hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả của thành phố.
Ngoài ra, trước quy mô địa bàn mở rộng và hệ thống y tế ngày càng đa dạng, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xác định yêu cầu cấp thiết là xây dựng một cơ chế quản lý thống nhất, linh hoạt và hiện đại. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị – điều hành sẽ là chìa khóa để phân bổ hợp lý nguồn lực, kết nối hiệu quả các tuyến và cơ sở y tế.
Cùng với đó, ngành y tế thành phố sẽ tập trung phát triển đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao, có khả năng thích ứng với mô hình tổ chức mới, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh phát triển đô thị và xã hội ngày càng phức tạp và yêu cầu khắt khe hơn.