Triển lãm là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp gỡ đối tác, nhà cung cấp quốc tế, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự kiện do Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (AGTEK) và Công ty Tổ chức Triển lãm CP Việt Nam đồng tổ chức.
Triển lãm năm 2023 có quy mô với gần 2000 gian hàng của hơn 1300 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và khu vực. Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên Ban tổ chức có sắp xếp một khu vực trưng bày riêng biệt về “Nhuộm, Sợi và Hóa chất”, với ít nhất 75 nhà cung cấp quốc tế. Các đơn vị tham dự tập trung giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm mở ra kỷ nguyên mới bền vững cho ngành dệt may.
Ngành Dệt May Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 hơn 44,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với 2021, thu nhập trung bình cho người lao động khoảng 3.800 USD/người/năm. Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD vào năm 2030, ngành dệt may có thể sử dụng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp và tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động dịch vụ phục vụ ngành.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đã cho rằng, tuy kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may hiện nay còn ở mức thấp, chưa chủ động nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn, bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, Thứ trưởng cũng mong rằng, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
“Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030 ngành Dệt May Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; thiết bị hiện đại, tự động hóa cao; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường…Đồng thời, trong tình hình kinh tế thế giới đối mặt với những nguy cơ khó lường hơn, định hướng ngành dệt may cần tìm được những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn về dịch bệnh đồng thời hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Năm 2022, xuất khẩu dệt may của VN đạt hơn 44,5 tỷ đô la Mỹ tăng trưởng gần 10% so với năm 2021 chiếm 12% kim ngạch XK cả nước. Bên cạnh đó, đây cũng là ngành công nghiệp đứng đầu về thu dụng lao động với khoảng 2 triệu lao động công nghiệp và gần 1 triệu lao động hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ dệt may. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, là đơn vị dẫn đầu của ngành dệt may Việt Nam, thu hút hơn 150 nghìn lao động trong toàn hệ thống, đóng góp giá trị sản xuất kinh doanh lớn cho nền kinh tế, Tập đoàn Dệt May Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dài hạn, mang tính dẫn dắt ngành công nghiệp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Với chiến lược phát triển đến 2030 trở thành Một điểm đến trọn gói cho sản phẩm thời trang Xanh”, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tăng cường thực hiện các giải pháp như: đầu tư cho sản xuất, ổn định và chủ động nguồn nguyên liệu; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu thời trang trên thị trường; tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu chính đối với khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội, trong đó tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm sử dụng năng lượng, giảm phát thải, giảm sử dụng lao động, tăng năng suất và chất lượng; sản xuất xanh, xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh tuần hoàn...
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết thêm: “Nhận thức được vai trò nòng cốt của mình trong việc định hướng, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam không ngừng kết nối các đối tác, các nhà sản xuất, các nhà cung cấp trên toàn thế giới để cập nhật các thông tin công nghệ mới nhất, dự báo tình hình thị trường, các xu hướng phát triển của ngành dệt may toàn cầu...cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam”.
Được biết, trong 4 ngày hoạt động của Saigontex & SaigonFabric 2023 (từ 05/4/2023 - 08/4/2023), Ban Tổ chức sẽ tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề với những chia sẻ thú vị, bổ ích dến từ các diễn giả giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tập trung thông tin vào các chủ đề được đông đảo doanh nghiệp dệt may quan tâm như: dự báo tình hình kinh tế thế giới, dự báo thị trường ngành dệt may, các giải pháp xanh hóa ngành dệt may, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững….vv. Hội thảo do các đơn vị Vinatex, Vitas, Agtex tổ chức, kỳ vọng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các đơn vị tham dự.
Uyển Nhi