Với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”, sự kiện được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trên khắp thế giới. Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng đến bạn bè quốc tế.
Họp báo Đối thoại Hữu nghị TP. HCM lần 2 năm 2024 và Diễn đàn Kinh tế TP. HCM lần 5 năm 2024. |
Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi công nghiệp là điều cần thiết để mỗi địa phương, mỗi quốc gia thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong cuộc họp báo diễn ra sáng nay, ngày 12/9/2024, ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và Hội nghị Quốc tế cho biết, nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về việc “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầt nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 23-NQ/TW về "Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sự kiện Đối thoại Hữu nghị năm TP. HCM lần thứ 2 năm 2024 không chỉ để Thành phố củng cố mối quan hệ hữu nghị với các địa phương, mà còn là cơ hội để các địa phương cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp và những chính sách hợp tác phù hợp trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và Hội nghị Quốc tế. |
Hội nghị Thị trưởng sáng 24/9 là hoạt động quan trọng nhất của sự kiện, các đại biểu sẽ nghe Báo cáo tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, cùng nhau thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (PPP, tài chính, nhân lực…). Các đại biểu cũng sẽ đánh giá những khó khăn, thách thức của TP. Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với Thành phố.
Trong khuôn khổ FD 2024, Lễ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) vào lúc 15h30 chiều ngày 24/9/2024.
Chương trình biểu diễn dù lượn và khinh khí cầu bên bờ sông Sài Gòn chiều 24/9/2024 là màn chiêu đãi đặc biệt Thành phố dành tặng cho các đại biểu tham dự FD 2024 cũng như công chúng, thể hiện sự trọng thị của Thành phố trong việc chào đón các đại biểu, các địa phương kết nghĩa trong và ngoài nước, cũng như lan tỏa thông điệp ý nghĩa của chương trình đến người dân, du khách. Phần trình diễn dù lượn diễn ra trong 15 phút, từ 17h30 - 17h45 ngày 24/9. Sau đó là bữa tiệc đầy màu sắc của 18 khinh khí cầu bay trên bầu trời từ 17h45 - 20h00 ngày 24/9. Trên các khinh khí cầu thể hiện cờ Việt Nam và cờ của các nước có địa phương quốc tế kết nghĩa với Thành phố Hồ Chí Minh tham dự FD 2024.
Từ 20h00 – 22h00 ngày 24/9, các khinh khí cầu này sẽ được neo lại bên bờ sông Sài Gòn như hoa đăng tỏa sáng rực rỡ, tạo điểm nhấn mới lạ cho vẻ đẹp hiện đại, sôi động của Thành phố. Người dân có thể chiêm ngưỡng, chụp ảnh với khung cảnh độc đáo lần đầu tiên có tại TP. Hồ Chí Minh này từ 17h30 - 22h00 ngày 24/9 ngay tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng và các khu lân cận.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Song song đó, Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Economic Forum – HEF) lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 – 27/9/2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 40 đoàn địa phương và Bộ ngành quốc tế và chuyên gia xác nhận tham dự FD 2024 đến từ 16 quốc gia, bao gồm: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Úc, Ý, Bồ Đào Nha, Belarus, Hungary, Uruguay.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo (Megatrends) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.
Tại các phiên song song, đại biểu sẽ chọn chủ đề phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của mình và đi vào 3 nhóm thảo luận với các chủ đề: Vai trò C4IR tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.
Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ buổi chiều ngày 25/9 sẽ diễn ra với phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phần hỏi đáp với các Bộ ngành địa phương, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương. Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), TP. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước và tập trung các hoạt động kinh tế trọng điểm nên thấu hiểu các khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi và mong muốn hỗ trợ các giải pháp kịp thời cho doanh nghiệp. Vì vậy, HEF 2024 hy vọng sẽ đem đến các bài học kinh nghiệm đa dạng từ các chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA). |
“Trong số các địa phương, Bộ ngành quốc tế tham dự có 16 cấp Thống đốc, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Thứ trưởng; đồng thời sự có mặt của hơn 27 chuyên gia trong nước và quốc tế đã thành công trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, cùng các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), World Bank, FAO, UNDP, UNIDO, IFC, C4IR tại Malaysia xác nhận tham dự” - ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.
Trong khuôn khổ của HEF 2024 sẽ diễn ra Lễ khánh thành và lễ ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh đặt tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024. Trung tâm sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), qua đó tăng cường hợp tác với các Trung tâm C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của Thành phố phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế, huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, Trung tâm C4IR tại TP. Hồ Chí Minh sẽ hoạt động theo hình thức kết hợp công và tư với các Doanh nghiệp lớn Việt Nam và Thành phố tham gia sáng lập.