Top 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2020

07:00 28/12/2020

Năm 2020 là năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng. Khép lại năm 2020 đầy biến cố trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn có những điểm sáng ấn tượng để chúng ta hy vọng vào một tương lai khởi sắc mạnh mẽ trong năm tới.

 Thực hiện thành công mục tiêu kép: Kiểm soát đại dịch, GDP tăng trưởng dương

Kết thúc năm 2020, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn chung đã được khắc họa rõ nét. Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi, điển hình như các động lực tăng trưởng chính đã cơ bản vận hành trở lại. GDP năm 2020 tăng 2,91%, trong đó quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,69%; quý 4 tăng 4,48%...

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã đưa ra các dự báo tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam. Điển hình, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 2,3% trong năm 2020. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2,8%.

Tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Điểm chung của các dự báo là triển vọng tăng trưởng tích cực vượt trội của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới, cũng như đồ thị hồi phục hình chữ V trong năm 2021 với tốc độ từ 6-8%. 

cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. (Ảnh: Internet)

Xuất siêu năm 2020 cao kỷ lục, đạt 19,1 tỷ USD

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. 

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2020 ước tính đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III năm nay. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%.

Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Chính phủ kịp thời ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 như các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.  

Thủ tướng Chính phủ ngày 24/4 đã ký ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là quyết định có liên quan đến khoảng 20 triệu người dân đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, và họ đang mong chờ từng ngày có quyết định này để sớm nhận được hỗ trợ trong gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng theo nghị quyết của Chính phủ. 

(Ảnh: Internet)

Việt Nam tham gia vào hàng loạt những hiệp định FTA

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các FTA. Mức độ cam kết trong các FTA cũng ngày càng sâu rộng hơn. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác.

2020 cũng là năm Việt Nam có thêm nhiều FTA có hiệu lực và được ký kết mới, trong đó nổi bật là RCEP và UKVFTA. Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao, các FTA này đã tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và các năm tới.

Năm 2020 – Năm khởi động chuyển đổi số quốc gia

Năm 2020, thế giới chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19. Nhưng ở khía cạnh khác, dịch COVID-19 đã đem đến cơ hội đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, “cú huých” chuyển đổi số tác động đến mọi thành phần, từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp, từ người dân đến các tổ chức, đơn vị chính quyền. Ở chiều ngược lại, chính nhu cầu mới đã đặt ra những “bài toán công nghệ mới” để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện, từ đó kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp chuyển dịch số, hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi số. Để thích nghi, tồn tại và phát triển, tất cả các doanh nghiệp phải nhanh chóng triển khai chuyển số. Trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% doanh nghiệp đang thực hiện.

Sự dịch chuyển từ không gian thực lên không gian số đang diễn ra tại Việt Nam. Sự dịch chuyển này là mới, là một chặng đường dài, chưa có tiền lệ. Vì thế, doanh nghiệp phải đi cùng nhau và phải kết nối. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia, nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. 

Hệ thống 5G do Việt Nam hoàn toàn làm chủ ngày càng hiện lên rõ nét.
Hệ thống 5G do Việt Nam hoàn toàn làm chủ ngày càng hiện lên rõ nét.. (Ảnh: Internet)

Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ lĩnh vực 5G

Cuối năm 2020, Việt Nam chính thức thử nghiệm thương mại 5G. Viettel bắt đầu kinh doanh thử nghiệm thương mại 5G tại 3 quận ở Hà Nội từ ngày 30/11/2020. Từ đầu năm, công ty này đã sản xuất thành công thiết bị phát sóng 5G cùng với việc thực hiện cuộc gọi 5G thành công trên thiết bị phát sóng tự sản xuất. Tiếp đó, VinaPhone và MobiFone cũng công bố chính thức việc kinh doanh thương mại 5G thử nghiệm.

Vinsmart cũng tuyên bố sẽ xuất khẩu điện thoại 5G sang Mỹ. Hệ thống 5G do Việt Nam hoàn toàn làm chủ ngày càng hiện lên rõ nét.

"Chúng ta làm 5G thì đồng thời sẽ tắt sóng 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho các nhà mạng. Có một tin rất vui là khi triển khai diện rộng 5G, chúng ta sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam. Chắc chắn rằng, chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng" - Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trước Quốc hội.

Năng lượng tái tạo bùng nổ

Tiếp nối năm trước, 2020 vẫn là một năm đầy sôi động của thị trường năng lượng tái tạo, đặc biệt là khi biểu giá FIT sẽ sớm hết hiệu lực thi hành. Các dự án điện mặt trời, điện gió không ngừng xin bổ sung quy hoạch điện, xin cơ chế đặc thù để hưởng giá FIT toàn phần dù đã quá công suất quy hoạch. Tuy nhiên, việc phát triển lưới điện đang chưa theo kịp với nguồn điện, khiến các dự án điện bị cắt giảm công suất.

PGS. TS Bùi Huy Phùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội năng lượng Việt Nam chỉ ra, hiện nay tỷ lệ đầu tư xây dựng lưới điện và nguồn không cân xứng. Về nguyên tắc, 1 đồng đầu tư cho nguồn điện thì cũng phải có 1 đồng đầu tư cho lưới điện. Tuy nhiên ở Việt Nam con số đó chỉ xấp xỉ 32-35%, gây ách tắc truyền tải điện.

Cũng trong năm nay, với Nghị quyết 55, tư nhân đã được cho phép tham gia vào truyền tải điện. Song, khi doanh nghiệp tư nhân xin bàn giao với giá 0 đồng, EVN lại kiến nghị không nhận bàn giao hai đường dây này. 

Gạo Việt liên tục có mặt top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới
Gạo Việt liên tục có mặt top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Việt Nam và những cuộc đua vào top đầu thế giới: Kỳ tích gạo Việt

Chỉ sau 14 năm, Việt Nam đã khiến cho thế giới kinh ngạc và nể phục khi từ quốc gia thiếu đói vươn lên trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo. Đặc biệt những năm gần đây, gạo Việt liên tục có mặt top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Đó là kỳ tích do Việt Nam tạo nên.

Gạo Việt đang được nâng tầm, nhờ nỗ lực sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối. Nhà nông và DN sản xuất đã tập trung sâu vào chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng; ngay vụ Đông Xuân 2020-2021 này, tại các cánh đồng lớn liên kết của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang xuống giống, Công ty đã loại hẳn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng hóa chất ra khỏi đồng ruộng trên diện rộng, được nông dân, ngành NN, chính quyền các địa phương và người tiêu dùng ủng hộ và đồng hành.

Từ câu chuyện của các nhà khoa học, các doanh nhân, cho thấy, cánh cửa XK gạo của Việt Nam đang rộng mở nếu đạt được các tiêu chuẩn tại mỗi thị trường.

Với lợi thế là đất nước kiểm soát tốt về dịch bệnh COVID-19, chúng ta tiếp tục khẳng định là quốc gia an toàn, đủ năng lực và sẵn sàng cung ứng gạo cho thế giới

Đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam của các tập đoàn lớn trên thế giới đã diễn ra từ vài năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình này đã tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết trong năm 2020, với tác động quan trọng của đại dịch Covid-19.

Tháng 3/2020, Samsung Việt Nam chính thức công bố về việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Vào tháng 9, Tập đoàn Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, cụ thể là khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng. 

(Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, 15 công ty Nhật Bản cũng có kế hoạch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam trong đó có 5 công ty công nghệ chuyên sản xuất thiết bị điện, điện tử và linh kiện ô tô.

Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội trở thành công xưởng sản xuất mới của thế giới, đón dòng vốn FDI dịch chuyển từ nhiều công ty, tập đoàn lớn khi họ không muốn phụ thuộc duy nhất vào Trung Quốc. Lợi thế về chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, chống dịch Covid-19 xuất sắc, dân số đông và trẻ… là những lợi thế đặc biệt của Việt Nam.

Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong một thập kỷ  

Giải ngân đầu tư công tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua đã hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 30/11/2020 là 336.012,19 tỷ đồng đạt 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng). Đối với kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2020 (91.827,06 tỷ đồng), lũy kế thanh toán đến 31/10/2020 đạt 60,94% kế hoạch; ước thanh toán 11 tháng đạt 67,11% kế hoạch. Như vậy, trong 11 tháng, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Có được kết quả này là nhờ chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Gia Bảo