Tổng cục Hải quan thống nhất thực hiện công tác quản lý nhập khẩu cá tầm

13:18 19/02/2021

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để thống nhất thực hiện các nội dung đảm bảo về chính sách quản lý, thủ tục hải quan đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu...

Quyết liệt vào cuộc để "làm sạch" thị trường cá tầm

Thời gian qua, thực trạng cá tầm Trung Quốc không có trong danh mục được cấp phép vẫn "đổ bộ" tràn lan vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với ngành nuôi cá tầm trong nước, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của cá tầm Việt Nam. Thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống Covid-19.

Lực lượng chức năng tiêu hủy cá tầm nhập lậu

Lực lượng chức năng tiêu hủy cá tầm nhập lậu. (Ảnh: Q. Hồng)

Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã có văn bản chỉ đạo làm rõ phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Thiết thực hành động nhằm mang lại sự lành mạnh cho thị trường cá tầm trong nước, mới đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để thống nhất thực hiện các nội dung đảm bảo về chính sách quản lý, thủ tục hải quan đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu.

Về chính sách quản lý đối với cá tầm nhập khẩu

Căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và các văn bản quy phạm pháp luật, cá tầm nhập khẩu phải có Giấy phép CITES gồm: Cá tầm Đại Tây dương (Acipenser brevirostrum) và Cá tầm Ban tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nhập khẩu không vì mục đích thương mại; các loài cá tầm (trừ các loài quy định tại Phụ lục I) thuộc Phụ lục II của Công ước CITES.

Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ là một trong những giải pháp hữu hiệu để bào vệ ngành nuôi cá tầm trong nước

Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ là một trong những giải pháp hữu hiệu để bào vệ ngành nuôi cá tầm trong nước.

Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam, căn cứ khoản 2 Điều 27 Luật Thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì các loài cá tầm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Phụ lục VIII Nghị định này bao gồm: Cá tầm Beluga (Huso huso), Cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), Cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), Cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), Cá tầm Xiberi (Acipenser baerii).

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, cá tầm bị cấm nhập khẩu trong các trường hợp gồm: Cá tầm nhập khẩu không nhằm mục đích phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Cá tầm Đại Tây dương (Acipenser brevirostrum), Cá tầm Ban tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I Công ước CITES nhập khẩu vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định số 06/2014/NĐ-CP và không phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm theo Chỉ thị số 29/CT-TTg; Cá tầm không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong Danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.

Liên quan đến vấn đề kiểm dịch động vật thủy sản và kiểm tra an toàn thực phẩm, căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPNT ngày 25/12/2018) thì cá tầm thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch động vật khi nhập khẩu.

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì cá tầm dùng làm thực phẩm thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.

Về thủ tục hải quan đối với cá tầm nhập khẩu

Tổng cục yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan theo Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC) và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Đồng thời, người khai hải quan (doanh nghiệp) phải gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trong đó lưu ý tại ô mô tả hàng hóa phải khai đầy đủ tên thương mại, tên khoa học và mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.

Về hồ sơ hải quan, ngoài các chứng từ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng cá tầm phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, người khai hải quan phải nộp cho cơ quan Hải quan những chứng từ như: Giấy phép CITES còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan quản lý CITES Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm được cấp bởi Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể các đơn vị kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa (đối với tờ khai phân luồng Đỏ) và xử lý kết quả kiểm tra.

Trần Linh