Tỉnh Phú Thọ chính thức triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

20:40 05/04/2021

Bắt đầu từ ngày 1/3/2021 tỉnh Phú Thọ chính thức triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

Nhân viên VNPT Phú Thọ hướng dẫn cho cán bộ cấp xã chứng thực bản sao điện tử tử bản chính trên Cổng DVCQG
Nhân viên VNPT Phú Thọ hướng dẫn cho cán bộ cấp xã chứng thực bản sao điện tử tử bản chính trên Cổng DVCQG.

Thực tế hiện nay, nhu cầu về chứng thực, công chứng giấy tờ của người dân rất lớn. Hầu hết các bộ hồ sơ, từ đơn giản như xin đi học, đi làm… đều kèm theo rất nhiều thứ giấy tờ cần chứng thực. Chưa kể đến việc hiện nay khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4, người dân vẫn phải thực hiện việc nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình giấy tờ gốc để xác minh lại hồ sơ. Điều này không chỉ gây bất tiện, làm phát sinh chi phí cho người dân mà còn gia tăng áp lực cho các cơ quan thực hiện chứng thực.

Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch. Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính (TTHC) đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.

Ông Lê Ngọc Thực - Chủ tịch UBND xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba cho biết: Chứng thực bản sao điện tử mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả phía người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, cùng với việc được hỗ trợ máy quét từ dự án của tỉnh, chúng tôi đã đầu tư thêm 3 máy tính, nâng cấp máy tính cấu hình thấp phục vụ việc chứng thực điện tử. Qua hướng dẫn, chúng tôi đã nắm bắt được quy trình chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, sẵn sàng phục vụ người dân trong thời gian tới.

Ông Đỗ Nam Hải - Giám đốc Viễn thông Phú Thọ cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến các xã, phường, thị trấn để lắp đặt máy quét, cài đặt phần mềm, hỗ trợ kiểm tra đường truyền, máy tính kết nối. Bên cạnh đó, hướng dẫn cán bộ, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình cấp bản sao điện tử từ bản chính; vận hành các thiết bị, xử lý các vấn đề trong quá trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ để việc chứng thực điện tử đảm bảo chất lượng. 

Cán bộ xã Minh Nông, Việt trì đang  thực hiện cấp bản sao chứng thực trên Cổng DVCQG
Cán bộ xã Minh Nông, Việt trì đang thực hiện cấp bản sao chứng thực trên Cổng DVCQG.

Tuy nhiên, để những tiện ích về chứng thực bản sao điện tử thực sự phát huy hiệu quả, thời gian tới rất cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng, hưởng lợi từ những tiện ích mà dịch vụ này đem lại.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ- Lê Quang Thắng cho biết: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chỉ cần đến Bộ phận một cửa cấp xã và cung cấp bản chính hợp lệ, công chức Tư pháp - Hộ tịch kiểm tra và quét dữ liệu lên Cổng DVCQG để xử lý. Lãnh đạo xã thực hiện ký số và chuyển qua bộ phận đóng dấu theo thẩm quyền. Kết quả được trả qua tài khoản cá nhân tại Cổng DVCQG (kho quản lý dữ liệu điện tử) hoặc email trong trường hợp chưa có tài khoản. Các thao tác đều được thực hiện trên môi trường mạng.

Với cách làm này, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử. Một bản sao chứng thực điện tử hoàn toàn có thể được công dân sử dụng cho nhiều bộ hồ sơ trực tuyến khác nhau (thay vì mỗi bộ hồ sơ phải có một văn bản chứng thực riêng), do vậy tiết kiệm được rất nhiều về công sức, thời gian, chi phí.

Để đảm bảo các điều kiện phục vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh triển khai dự án, cấp 100% máy quét (scan) cho 225 xã, phường, thị trấn phục vụ chứng thực điện tử và cung cấp DVCTT tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC.

Sở cũng phối hợp với VNPT Phú Thọ tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký tài khoản trên Cổng DVCQG để thực hiện dịch vụ. Đến nay đã cấp hơn 900 tài khoản trên Cổng DVCQG cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chứng thực các xã, phường, thị trấn; trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có từ 2 - 3 tài khoản. Đồng thời tập trung chỉ đạo, bố trí cán bộ là đầu mối giám sát việc lắp đặt, hướng dẫn khai thác sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử; kịp thời tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

"Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính không chỉ giúp cán bộ, công chức không phải đi lại nhiều lần để trình hồ sơ, mà còn có thể dễ dàng lưu trữ, kiểm tra tính chính xác của bản sao đó để giải quyết cho các thủ tục tiếp theo" - Anh Nguyễn Hùng Dương - Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ.

PV

Tags: