Hàng chục người dân Bình Dương 'sập bẫy' tín dụng đen
Vietnamnet đưa tin, Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đang tạm giữ Hoàng Văn Phong (SN 1982) và Hoàng Văn Duy (SN 1988, cùng ngụ tại Hải Dương) để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi. Hơn 20 người tại huyện Dầu Tiếng và TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã vay tiền của 2 đối tượng này.
2 đối tượng cho vay nặng lãi tại cơ quan công an.
Biết người dân và công nhân tại huyện Dầu Tiếng và TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) khó khăn, cần tiền sinh hoạt, Phong và Duy đã chủ động cho hàng chục người dân vay nợ.
Theo đó, khi vay 10 triệu đồng, người dân sẽ phải trả góp (cả gốc và lãi) trong vòng 25 ngày, mỗi ngày 500 ngàn đồng, tổng cộng cả tiền gốc và lãi người dân phải trả là 12,5 triệu đồng, cao gấp 17 lần lãi suất ngân hàng. Chưa kể, người dân còn phải trả thêm 500 nghìn đồng phí đi thu nợ.
Nếu không trả, các đối tượng này sẽ uy hiếp, dùng vũ lực đe dọa con nợ.
Trong tháng 12/2018, 2 đối tượng đã cho hàng chục người dân vay hơn 1 tỷ đồng, thu lãi bất chính hơn 200 triệu đồng.
Bị tín dụng đen truy sát, đốt nhà trong đêm
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hương (ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vừa gửi đơn cầu cứu bộ Công an vì bị nhóm giang hồ xịt hơi cay, truy sát chém gục rồi sau đó đốt nhà.
Dù vụ việc xảy ra đã hơn nửa năm nhưng cuộc sống của gia đình bà vẫn bị đe dọa. Nhóm hung thủ vẫn liên tục nhắn tin, hăm dọa khiến vợ chồng bà phải bỏ nhà đi lánh mặt.
Trưa 24/5/2018, một nhóm người xăm trổ đi trên ô tô 16 chỗ dừng trước nhà bà. Nhóm người này xông thẳng vào trong nhà đòi tiền vợ chồng bà Hương. Trong đó, có một người tên Quyền, xưng là nhân viên của công ty chuyên đòi nợ thuê ở Bình Dương.
Công an vào bệnh viện ghi nhận tình trạng thương tích của vợ chồng bà Hương sau khi bị chém (Ảnh: PLO).
Trước đó, bà Hương ủy quyền cho một người bạn tên Nguyễn Thị M. (ngụ huyện Trảng Bom) được quyền sử dụng sổ đỏ do vợ chồng bà Hương đứng tên để kinh doanh. Sau đó, bà M. dùng sổ đỏ này thế chấp cho ông Lê Xuân Thiệu (ngụ TP Biên Hòa) để vay tiền và nợ tổng cộng 350 triệu đồng.
Sau đó 3 ngày, vợ chồng bà đang ngồi trong nhà thì Quyền cùng nhóm người đến, chặn tất cả cửa, xịt hơi cay, dùng dao phay lao vào chém gục vợ chồng bà rồi lên xe bỏ đi. Vợ chồng bà Hương được người dân đưa đi cấp cứu tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Theo giấy thương tích của bệnh viện, chồng bà Hương bị nhóm côn đồ dùng hung khí chém với thương tích: bị rách thấu bụng, rách thanh mạc đại tràng, lộ đại tràng ra ngoài, tràn dịch màng phổi, rách sườn trái 15 cm. Tỉ lệ thương tật là 28%. Hiện chồng bà Hương với vết thương dọc bụng khá nặng nên vẫn phải băng đai để ổn định bụng.
Còn bà Hương bị nhóm giang hồ chém rách ngực dài 10 cm, thấy hở khoảng phổi, vết thương chém đùi dài 20 cm… Tỉ lệ giám định thương tật là 14%.
Khi vợ chồng bà Hương đang điều trị tại bệnh viện, hàng xóm báo tin nhóm người hôm trước nay lại quay lại đốt nhà.
Sau khi ra viện, vợ chồng bà Hương tiếp tục bị hăm dọa nên đã làm đơn cầu cứu bộ Công an.
Tín dụng đen nở rộ ở các khu công nghiệp
Báo Tiền Phong đưa tin, một số khu công nghiệp (KCN), tín dụng đen nở rộ với nhiều hình thức cho vay mới những ngày cuối năm, khi nhu cầu mua sắm, vay tiêu dùng tăng cao.
Do có nhu cầu mua xe máy mới, anh Lê Quang Hoài (Công nhân tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh) phải vay thêm 15 triệu đồng từ các tiệm cầm đồ, và trả góp dần vào đầu tháng 12/2018.
Khi đến vay tiền, anh chỉ cần đăng ký tên món đồ muốn mua, phía cho vay sẽ mua xe thay anh rồi làm thủ tục dưới dạng cho thuê. Khi thanh toán đủ tiền gốc và lãi, sẽ ký hợp đồng mua bán xe cho người vay nợ. Số tiền trả hàng tháng, người cho vay sẽ nhận qua thẻ lương.
Tuy nhiên, phần lớn những người dính vào tín dụng đen thường là công nhân trẻ thua cờ bạc, lô đề.
Đại tá Vũ Xuân Lộc, Trưởng Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh cho biết, công an tỉnh vừa triệt phá đường dây tín dụng đen, thu giữ gần 2.700 hồ sơ vay tiền, trong đó có nhiều người là công nhân tại các KCN vay từ vài triệu đến vài chục triệu. Công an tỉnh Bắc Ninh đã giao huyện rà soát lập hồ sơ để quản lý các cơ sở kinh doanh cầm đồ.
Vietnamnet đưa tin, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết: “Hoạt động tín dụng đen gần đây hoạt động hết sức phức tạp, len lỏi từ nông thôn đến vùng cao, đồng bào dân tộc. Nguy hiểm là tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở dịch vụ cầm đồ, công ty đòi nợ thuê, kinh doanh tài chính”.
Báo cáo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 mới đây, Bộ Công an cho biết đang nắm số liệu trên giấy tờ về quy mô tín dụng đen ở nông thôn là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Trên thực tế, hoạt động này còn nhiều hơn với các hình thức hụi, họ.
Bộ Công an đang tích cực triệt phá, xử lý các hình thức cho vay nặng lãi ở nông thôn, đồng thời đề nghị các ngành chức năng liên quan cũng cần vào cuộc để xử lý hiệu quả.
Mộc Miên (Tổng hợp)