Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Dự thảo luật lần này được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 72 điều, giảm đáng kể so với Luật năm 2015, vốn có 17 chương và 173 điều.
Dự thảo tập trung vào bảy vấn đề đổi mới quan trọng nhằm tạo đột phá trong quy trình xây dựng pháp luật. Một trong những điểm nhấn là việc tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực, đồng thời phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Đáng chú ý, dự thảo đề xuất bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, bổ sung thêm một hình thức nghị quyết của Chính phủ, đồng thời điều chỉnh thẩm quyền ban hành văn bản của Tổng Kiểm toán Nhà nước từ quyết định sang thông tư.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh |
Ngoài ra, dự thảo cũng đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội, cải tiến quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một trong những điểm cải tiến quan trọng là việc tách bạch quy trình chính sách với chương trình lập pháp hằng năm, phân định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trình quyết định chính sách và vai trò của Quốc hội trong việc quyết định dự thảo luật.
Về quy trình lập pháp, dự thảo luật quy định các luật và pháp lệnh sẽ phải trải qua bốn bước chính trong quy trình chính sách. Trên cơ sở chính sách được thông qua, việc soạn thảo sẽ được thực hiện theo quy trình gồm bảy bước, trong đó một số thủ tục và hồ sơ, tài liệu sẽ được đơn giản hóa. Cách tiếp cận này giúp rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn khoảng 10 tháng.
Bên cạnh đó, dự thảo còn sửa đổi, bổ sung quy định về việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn. Với quy trình mới, văn bản có thể được ban hành trong thời gian chỉ từ 1 đến 2 tháng, giảm được 6 đến 8 tháng so với trước đây. Việc này cũng đề cao trách nhiệm và quyền tự quyết của người đứng đầu cơ quan soạn thảo.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định cho phép Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp đặc biệt, khi được sự đồng ý của Bộ Chính trị. Áp dụng cho các tình huống khẩn cấp, thảm họa, sự cố nghiêm trọng hoặc các vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước, phù hợp với quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự và các sự kiện bất khả kháng.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được Quốc hội xem xét, thông qua tại cùng Kỳ họp.
Ủy ban Pháp luật thống nhất với cơ quan trình dự án về việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước từ quyết định sang thông tư.
Về quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.
Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cơ quan trình dự án có trách nhiệm tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo; cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục có ý kiến phản biện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trên cơ sở dự thảo đã được tiếp thu, hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua nếu đủ điều kiện.
Trường hợp dự thảo chưa được thông qua và Quốc hội quyết định cho lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại thì cơ quan trình dự án tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục có ý kiến phản biện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua.