Bài liên quan |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thăm, tặng quà Tết người lao động Đồng Nai |
Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Chí Dũng, ông Mai Văn Chính làm Phó thủ tướng Chính phủ |
Ngày 20/2/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1407/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm xuất khẩu sau khi báo chí phản ánh tình trạng nhiều lô hàng của Việt Nam bị EU cảnh báo.
Trước đó, theo báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (văn bản số 115/2025/TTĐT ngày 14/2/2025), dư luận trong nước đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Diễn đàn Doanh nghiệp cùng ngày cũng cho biết, nhiều sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU, khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới, vi phạm quy trình phê duyệt của châu Âu. Ngoài ra, có trường hợp khai báo không trung thực về nguyên liệu, đặc biệt là các thành phần có thể gây dị ứng, làm gia tăng mối lo ngại về an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm bị phát hiện chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, dẫn đến việc EU ra lệnh thu hồi ngay lập tức. Đáng chú ý, một số lô hàng có thành phần từ động vật nhưng chưa thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm quy định an toàn sinh học của EU.
![]() |
Thực phẩm Việt Nam bị EU "tuýt còi", Phó Thủ tướng Chính phủ ra chỉ đạo |
Nhận định từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho thấy, thực phẩm Việt Nam có thể bị liệt vào danh mục rủi ro cao, khiến tỷ lệ kiểm tra tăng mạnh, tác động tiêu cực đến xuất khẩu.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp thực phẩm xuất khẩu cập nhật và tuân thủ đầy đủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến và đóng gói nhằm đảm bảo tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, bảo vệ uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc siết chặt quản lý và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xuất khẩu không chỉ giúp Việt Nam duy trì thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn thúc đẩy ngành thực phẩm phát triển theo hướng bền vững và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu quốc tế.