Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng nông sản hàng năm của Việt Nam rất lớn, bao gồm trên 42 triệu tấn lúa, gần 19 triệu tấn rau màu, trên 12 triệu tấn trái cây chủ lực, sản lượng thịt các loại trên 7 triệu tấn và thủy sản trên 9 triệu tấn. Điều này tạo áp lực không nhỏ khi vào cao điểm thu hoạch. Do đó, việc kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản thực phẩm chất lượng cao là cần thiết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Câu chuyện kết nối thị trường không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với thị trường trong nước. Theo đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, các kênh bán lẻ trong và ngoài nước hiện chính là cầu nối hiệu quả giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Tại ĐBSCL - vựa nông sản lớn nhất của cả nước, một số doanh nghiệp đã tích cực khai thác tốt thị trường nội địa, điển hình là việc đưa các sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại. Khảo sát tại một số siêu thị biên mậu tại An Giang, có thể thấy hàng hóa lên đến 20.000 - 30.000 sản phẩm các loại, 90% là hàng Việt. Để kích cầu tiêu dùng, tỉnh An Giang còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương ý nghĩa.
Với các nhà vườn ở tỉnh Lâm Đồng, kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm chính là để nâng cao sức mạnh của nhà sản xuất, giúp nông sản tiêu thụ tốt hơn ở thị trường trong nước. Hiện tại, vùng nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã định hình 243 chuỗi liên kết tương ứng với hàng ngàn ha diện tích đất canh tác. Chất lượng đồng đều - điều mà trước đây, nông dân ít để tâm thì nay nhiều người xem như là tiêu chí để nông sản làm ra được tiêu thụ dễ dàng.
Chương trình "Đồng hành cùng OCOP - Tôn vinh nông sản Việt", một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Quốc tế hợp tác xã, đã diễn ra trên toàn hệ thống 800 điểm bán của Saigon Co.op từ ngày 4 - 17/7. Theo đó, chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... đã kinh doanh hơn 500 sản phẩm OCOP gồm các mặt hàng đến từ các hợp tác xã (HTX) trên toàn quốc. Đây là cơ hội cho người dân tiếp cận sản vật khắp cả nước với giá phải chăng.
Bên cạnh thị trường nội địa, nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP.HCM cũng đang tích cực tổ chức các sự kiện kết nối, hỗ trợ đưa hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản, vào tiêu thụ tại các thị trường lân cận. Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyễn Phương nhìn nhận, các nhà bán lẻ hiện đại đã và đang có những bước đi tích cực trong việc xây dựng chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, góp phần “lan tỏa” thương hiệu Việt Nam đến với thị trường quốc tế.
Điển hình, đại diện MM Mega Market Việt Nam chia sẻ, từ năm 2019, đơn vị đã xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy hải sản Việt gồm khoai lang, thanh long, bưởi, dừa, cá tra, tôm… sang các thị trường như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, siêu thị vẫn đều đặn xuất khẩu 2 - 4 container/tháng với mặt hàng thanh long sang thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Năm 2024, MM Mega Market kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lượng xuất khẩu nông sản, chinh phục được các thị trường khó tính như Úc, Đức và Hà Lan.
Từ những nỗ lực kết nối thị trường nội địa đến việc lan tỏa thương hiệu nông sản Việt ra thế giới, có thể thấy rằng các nhà sản xuất nông sản, thực phẩm cần nghiêm túc thay đổi tư duy, chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, việc thích ứng với xu thế mới của mua sắm đa kênh và kinh doanh trực tuyến cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí trung gian và tăng tính hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Trần Tùng