Bộ Công Thương thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững Tiêu dùng bền vững: Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp |
Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Chương trình Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững năm 2025, với chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh”, do Bộ Công Thương tổ chức tối 27/6, tại Hà Nội.
Cùng có trách nhiệm để kiến tạo kỷ nguyên xanh
Nhận thức tầm quan trọng của chuỗi hành vi sản xuất, tiêu dùng bền vững, những năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
![]() |
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Chương trình Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững năm 2025 |
Trong đó, tập trung vào các trụ cột chính, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; thúc đẩy thị trường sản phẩm xanh, kết nối cung, cầu, xây dựng các tiêu chí, nhãn hiệu để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm bền vững và đặc biệt là triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hành vi của người tiêu dùng chính là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình thực hiện phát triển bền vững. Khi nhu cầu về sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường tăng lên, doanh nghiệp sẽ buộc phải thay đổi để đáp ứng thị trường. Điều này tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực... Và đó chính là yếu tố then chốt để cùng nhau kiến tạo một 'kỷ nguyên xanh'”.
Dự và phát biểu tại chương trình, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – nhấn mạnh, sản xuất và tiêu dùng bền vững là nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng, hoàn thiện, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường của Ủy ban.
Thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong công tác lập pháp và giám sát các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Năm 2022, Ủy ban đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Hiện nay, đơn vị cũng đang tham mưu thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực”.
Mỗi doanh nghiệp hãy biến thách thức thành cơ hội
Để hành trình hướng tới sản xuất, tiêu dùng bền vững trở thành hiện thực, lãnh đạo Bộ Công Thương kêu gọi tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, đến cộng đồng doanh nghiệp và đơn vị truyền thông hãy cùng nhau tạo điều kiện và đồng hành chặt chẽ với người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cam kết sẽ nỗ lực không ngừng, đồng hành và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất và kinh doanh bền vững, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững.
![]() |
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Chương trình “Thúc đẩy sản xuất, Tiêu dùng bền vững 2025 |
Với quan điểm “Bền vững không phải là đích đến, mà là hành trình chúng ta cùng nhau viết nên mỗi ngày”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi kêu gọi mỗi doanh nghiệp hãy biến thách thức thành cơ hội. Mỗi sản phẩm xanh được tạo ra hôm nay không chỉ là trách nhiệm với môi trường, mà còn là cam kết tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng, từ chất lượng sản phẩm đến thông tin trung thực.
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh; xây dựng chuỗi giá trị bền vững; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong mọi công đoạn sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở nhìn nhận và đánh giá nỗ lực của các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, các đại biểu tham dự tại Chương trình đã thống nhất cần tiếp tục tập trung duy trì thường xuyên các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là:
Các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ bền vững, tăng cường kiểm tra, giám sát tính minh bạch.
Cộng đồng doanh nghiệp không ngừng chủ động đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ xanh, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, từ đó chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, theo chuẩn Xanh và có trách nhiệm
Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy trở thành một người tiêu dùng thông thái và có trách nhiệm, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày như tiết kiệm điện, nước, phân loại rác thải, hạn chế túi nilon và ưu tiên lựa chọn sản phẩm bền vững.
Nhiều ý kiến bày tỏ, để thúc đẩy tiêu dùng bền vững thì không thể chỉ đặt trách nhiệm lên vai nhà sản xuất, mà cần cả sự vào cuộc mạnh mẽ của người tiêu dùng và của các cơ quan báo chí, những người làm truyền thông.