Hiện nay, các doanh nghiệp nước ta hướng đến tiêu dùng bền vững có cơ hội xây dựng dư vị thương hiệu tích cực trong lòng người tiêu dùng. Việc thúc đẩy sản phẩm và dịch vụ bền vững không chỉ tạo niềm tin mà còn tạo ra mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Trong đó, tiêu dùng bền vững thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và phương pháp mới để tạo ra sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Điều này mở ra cơ hội cho sự sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp. Vậy nên, hầu hết, các doanh nghiệp định hướng bền vững thường thu hút được nhân tài tài năng, những người muốn đóng góp vào một môi trường làm việc tích cực và ý nghĩa.
Đáng chú ý, khi chuyển đổi sang tiêu dùng bền vững thường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao, từ nghiên cứu phát triển sản phẩm đến việc cập nhật hệ thống sản xuất. Tiêu dùng bền vững đòi hỏi sự thay đổi không chỉ từ doanh nghiệp mà còn từ phía người tiêu dùng. Thách thức lớn là thay đổi lối sống và tư duy tiêu dùng của khách hàng để hướng tới một môi trường sống bền vững.
Trên thị trường, doanh nghiệp phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt và các chuẩn mực cao về tiêu dùng bền vững, đòi hỏi họ phải không ngừng cải thiện và đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Xu hướng này đã khuyến khích nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu thực hiện các sáng kiến như chương trình đổi đồ cũ lấy đồ mới hoặc nhận đồ cũ từ khách hàng để tái chế và tái sử dụng, nhằm kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu lượng rác thải của ngành thời trang. Đo đó, khái niệm tiêu dùng xanh và bền vững ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch Covid-19.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Giá trị Doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM cách đây 3 năm cho thấy, 90% người được hỏi cảm thấy đại dịch đã thay đổi cách họ nhìn nhận các vấn đề môi trường và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng tẩy chay các sản phẩm từ doanh nghiệp gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng.
Khảo sát của NielsenIQ Việt Nam vào năm 2023 cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến yếu tố bền vững khi lựa chọn thương hiệu. Các tiêu chí quan trọng bao gồm giá hợp lý, an toàn vệ sinh, lợi ích sức khỏe, uy tín thương hiệu, và cam kết thân thiện với môi trường.
Theo nghiên cứu, 55% người tiêu dùng đánh giá cao yếu tố bền vững trong mua sắm. Cụ thể, 49% sử dụng túi tái chế hoặc mang theo túi riêng khi mua sắm, 47% chỉ mua những mặt hàng cần thiết để giảm lãng phí, và 45% thực hiện tiết kiệm điện và phân loại rác tại nhà.
Đặc biệt, nghiên cứu tập trung vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 95% người tiêu dùng ở hai thành phố này đều ý thức về bảo vệ môi trường; 59% ưu tiên ăn rau xanh và ngũ cốc thường xuyên hơn; 61% tận dụng ánh sáng tự nhiên tối đa, và 44% chọn tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết.
Như vậy, tiêu dùng bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là một trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp cần đối diện. Bằng cách thúc đẩy tiêu dùng bền vững, doanh nghiệp không chỉ tạo ra giá trtrị bền vững cho chính mình mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và xã hội. Trước những cơ hội và thách thức mà tiêu dùng bền vững mang lại, các doanh nghiệp cần có cái nhìn chiến lược và cam kết mạnh mẽ để phát triển một cách bền vững và tích cực cho cả xã hội và doanh nghiệp.
Nhân Hà