Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ

11:57 18/05/2022

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ngày 18/5/2022, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ".

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo.

Đến dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV Việt Nam); ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về phía đại diện Dự án USAID LinkSME có bà Nguyễn Thị Bích Điệp, Quản lý Hợp phần Cải thiện môi trường kinh doanh, Dự án USAID LinkSME.

Về phía đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam có bà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH.

ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu khai mạc.

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân- Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã cung cấp những thông tin hết sức bổ ích về tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gia qua cũng như những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trước sự thiếu hụt về nguồn lao động trong nước. Ông chia sẻ: "Đứng trước những vấn đề mà doanh nghiệp và người lao động đặt ra, ngay từ đầu tháng 7 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có hạng mục về hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực, và cho đến nay đã gần 10 tháng triển khai, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và BHXHVN đã chủ động, tích cực phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kết nỗi giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ có giá trị pháp lý cho người lao động". 

"Với trách nhiệm là các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau dịch Covid-19, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và Bảo hiểm Xã hội VN đã tổ chức hội thảo ngày hôm nay nhằm truyền thông đến các doanh nghiệp về cách thức tham gia và tiếp nhận hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước theo NQ68, các thủ tục có liên quan và một số kết quả, kinh nghiệm thực tế đã triển khai. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ trao đổi với các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để làm sao có thể hỗ trợ càng sớm càng tốt cho các quý vị", ông Thân nhận đinh.

ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp- Bộ LĐ-TB-XH đã trình bày về tiến trình triển khai chính sách này của Nhà nước. Ông chia sẻ: "Dịch bệnh gây ra những tổn thất và thiệt hại lớn đến nền kinh tế xã hội và doanh nghiệp trong nước. Bối cảnh đặt ra nhiều thách thức, trong đó là thiếu hụt nguồn lao động thậm chí là đứt gãy chuỗi lao động, trầm trọng hơn là thiếu hụt kỹ năng lao động. Trong bối cảnh vậy, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, tuy nhiên hiệu quả đến nay còn chưa cao. Thực tế số lượng doanh nghiệp tham gia so với con số doanh nghiệp chúng tôi kì vọng còn thấp. Tôi mong hội thảo ngày hôm nay sẽ thảo luận về khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đánh giá nguyên nhân và giải quyết vướng mắc".

Bà Nguyễn Thị Bích Điệp, Quản lý Hợp phần Cải thiện môi trường kinh doanh, Dự án USAID LinkSME chia sẻ: "Đại dịch ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra trong nhiều ngành nghề. Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (LinkSME) góp phần đẩy nhanh xu hướng này thông qua tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu chuỗi trong nước. Tại Hội thảo, tôi mong muốn được lắng nghe những giải pháp thúc đầy đào tào nghề cho người lao động. Cơ quan chúng tôi thông qua dự án Dự án USAID LinkSME mong muốn tiếp tục hợp tác để đồng hành cùng doanh nghiệp". 

Phiên đối thoại với doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Thân và ông Trương Anh Dũng chủ trì
Phiên đối thoại với doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Thân và ông Trương Anh Dũng chủ trì.

Tại phiên tọa đàm của Hội thảo, các đại diện trường đào tạo nghề, đại diện doanh nghiệp với đại diện VINASME và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã cùng nhau trao đổi và giải đáp thắc mắc xung quanh các chính sách được thực hiện trong Nghị quết 68 của Chính phủ.

ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo phát biểu.

Hiện nay vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ về chính sách cũng như quy trình, thủ tục đăng ký tham gia nhận hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề theo Nghị quyết 68 ngày 01/07/2021 của Chính phủ. Chính vì vậy, mở đầu phiện thảo luận, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cung cấp một số thông tin: "Chính sách được đưa ra nhằm giúp người sử cụng lao động chủ động thích ứng với sản xuất kinh doanh. Điều kiện để tham gia là đơn vị sử dunhg lao động phải tham gia BHXH trên 12 tháng, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đối tượng hưởng chính sách là cơ quan nhà nước, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình,.. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/ tháng, tối đa 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo. Hồ sơ để nhận chính sách bao gồm: văn bản thay đổi cơ cấu kinh doanh, phương án đào tạo, văn bản đề nghị hỗ trợ, xác nhận của BHXH. Để được hỗ trợ, cơ quan sử dụng lao động nộp hồ sơ lên Sở Lao động &Thương binh- Xã hội xem xét. BHXH tỉnh sẽ xem xét và chuyển kinh phí cho người sử  dụng lao động, sau đó người sử dụng lao động sẽ trao kinh phí cho cơ sở đào tạo. Quy trình kéo dài tối đa 12 ngày" .

Ảnh minh họabà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH đã có những chia sẻ
Bà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH đã có những chia sẻ.

Về góc nhìn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết: "Chúng tôi đã ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức các Hội nghị trực tuyến để triển khai thực hiện tới tận cấp huyện, cùng với đó, chỉ đạo phối hợp, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục. Chúng tôi cũng thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực, cử tổ công tác tới tận cơ sở để tiếp nhận giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và đơn vị có nhu cầu".

Tại phiên thảo thuận, ông Dũng đã đưa ra nhận xét rằng: “Vấn đề đầu tiên chúng ta gặp phải là không có đủ thông tin đầy đủ và kịp thời. Thứ hai là chúng ta không kết nối được cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý. Chính các cơ sở đạo tạo dường như cũng rất ngại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác các doanh nghiệp cũng chỉ đặt nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh làm nhiệm vụ hàng đầu. 3 điều này là nguyên nhân khiến việc triển khai chinh sách gặp khó khăn”.

Buổi thảo luận đã được lắng nghe rất nhiều ý kiến có tính chuyên môn cao và tâm huyết từ các chuyên gia và doanh nghiệp về góc nhìn của mình trong việc triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nhị quyết 68 của Chính phủ.

Ngay sau Hội thảo, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và BHXHVN sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn ngay cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đào tạo nghề. Đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, hiệu quả. Còn đối với các doanh nghiệp “gần” đủ điều kiện sẽ được các cơ quan hướng dẫn cách thức để đạt điều kiện nhận hỗ trợ.

Nguyễn Việt Hà – Viện trường Trường Cao Đẳng Nghề Long Biên - Trực Thuộc Tổng Công Ty MAY 10 Việt Nam
Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên - trực thuộc Tổng Công ty May 10.

Ông Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên - trực thuộc Tổng Công ty May 10: "Với câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp liệu có cần gói hỗ trợ này không, thì doanh nghiệp rất cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai chưa được hiệu quả cao. Khó khăn chúng tôi gặp phải là chứng minh năng lực cơ sở đào tạo nghề, chúng tôi phải giải trình báo cáo với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Thứ hai là xác nhận doanh thu của các đơn vị trong quá trình thực hiện khi giải trình với các Sở. Thứ ba là thời gian đào tạo, doanh nghiệp vẫn phải tham gia sản xuất chứ không thể dừng hay đóng sản xuất được vì ảnh hưởng doanh thu, vì vậy cần phải linh hoạt xây dựng lịch đào tạo phù hợp với doanh nghiệp. Trường chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp hoàn thiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình
Ông Trần Minh TUyến- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình.

Ông Trần Minh Tuyến- Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình: Từ trước đây, với các gói hỗ trợ, tôi cho rằng với Thái bình còn khó tiếp cận do thủ tục phức tạp, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn thiếu công nghệ và nguồn nhân lực. Với Nghị quyết 68 lần này, chúng tôi cũng cho rằng, hiệu quả chưa được nhiều. Những nhu cầu doanh nghiệp mong muốn thực sự lại chưa được truyền thông rộng rãi. Vì thời gian thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động không còn nhiều, tôi đề xuất cần tăng cường công tác truyền thông, việc đáp ứng điều kiện cần rõ rang và đơn giản hóa, các trung tâm đào tạo nghề cần phối hợp với Hiệp hội và cơ quan quản lý để đồng phối hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. 

Trinh - Linh

Ảnh: Hồng Hạnh