Đầu tư công là bơm máu cho nền kinh tế
Chính phủ và Thủ tướng xác định, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trọng yếu để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, các dòng vốn đầu tư đang chững lại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, người lao động giảm việc làm, thu nhập thấp... Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu “phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công”.
Đồng tình quan điểm này, PGS.TS.Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, các gói hỗ trợ hiện tại chỉ là “cầm hơi”, trong khi giải ngân đầu tư công “mới thực sự bơm máu cho nền kinh tế, máu sẽ chảy vào các hệ thống, lan dần ra, làm hồi sinh doanh nghiệp, kích hoạt doanh nghiệp, làm sống động dần các ngành, lĩnh vực”.
Quảng Trị hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam |
Theo kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân trong năm nay là 28 tỷ USD, tương đương 633.000 tỷ đồng. Mặc dù 6 tháng qua giải ngân vốn có tiến bộ, cao hơn các năm trước, nhưng vẫn là mức thấp. Theo đó số đã giải ngân chưa tới 200 tỷ đồng, ước khoảng 34,96% kế hoạch. Đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài vẫn chậm, ước đạt 10,2% kế hoạch. Như vậy vẫn còn khối lượng rất lớn chưa được giải ngân.
Nếu lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020.
Theo phản ánh của các bộ, ngành và địa phương, đầu tư công chậm vì gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong đấu thầu, do thay đổi chính sách và quy định... Giải ngân chậm cũng còn do năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, do cả chủ đầu tư và nhà thầu muốn chờ để thanh toán vốn một lần tránh thanh toán vốn nhiều lần. Do các nơi chờ được giao vốn rồi mới chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.
Nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản nhất là do tâm lý lấy an làm trọng, sợ rủi ro trách nhiệm đang phổ biến trong khi các quy định pháp luật về đầu tư công đang có nhiều trói buộc.
Ranh giới mong manh
Sau khi “mục sở thị” tại nhiều tỉnh thành, TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, ông nhận thấy tâm lý phổ biến của lãnh đạo nhiều nơi làm chọn cách “chậm để an toàn”. Bởi đầu tư công là những dự án lớn, và đã là dự án lớn thì lắm phức tạp và nhiều vấn đề. Trong khi nỗi lo rủi ro trách nhiệm đang chèn lấn sức sáng tạo và nỗ lực hành động và đang thiếu cơ chế bảo vệ cho những người dám sáng tạo, dám làm. “Họ (lãnh đạo nhiều địa phương) khi thấy quy định vướng là không muốn làm nhanh dù có nghĩ ra cách làm, họ tránh không để bị quy vào ‘vi phạm quy định, làm sai quy định’. Bởi vậy họ chọn cách đi hỏi, cơ quan được hỏi cũng sợ trách nhiệm nên câu trả lời là “làm theo quy định…”, ông Cung cho biết.
Bởi vậy theo ông Cung, để thúc đẩy đầu tư công nói riêng và để phục hồi kinh tế nói chung, cần phải xóa được tâm lý e ngại “đang đứng trước ranh giới mong manh giữa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với tội đồ làm sai quy định”. Đất nước đang ở tình huống đặc biệt. Trong tình huống đặc biệt cần cắt bỏ tư duy làm theo quy trình, cấm theo quy định, trong khi quy trình về đầu tư công đang rất nhiều bất cập với thực tế.
Cũng chung quan điểm như vậy, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, đầu tư công chậm do vướng luật, nghị định. Nhấn mạnh, “trong tình huống đặc biệt cần vận dụng giải pháp đặc biệt, đảm bảo các cấp thực thi thấy đủ yên tâm để làm nhanh, làm ngay mà không lo sợ vi phạm quy định, không mắc tội”, ông đề nghị Quốc hội cần trao cho Chính phủ quyền vượt qua rào trói của pháp luật, để thực hiện các giải pháp vì lợi ích của nền kinh tế, để thực thi công vụ quốc gia, nếu không, không ai dám làm, đúng ra là không ai muốn làm…”.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng đề nghị giao quyền nhiều hơn cho các bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh trong việc ra quyết định đầu tư. Những dự án được đưa vào danh mục đầu tư công rồi cứ thế mà làm chứ không cần phải quyết định chồng quyết định, thủ tục chồng thủ tục. Quốc hội không cần phân vốn cho từng dự án, từng ngành, địa phương mà Chính phủ có thể tự quyết định. Quốc hội cũng không cần quyết định hình thức đầu tư của từng dự án, mà để Chính phủ, Bộ trưởng quyết định, Quốc hội chỉ đóng vai trò giám sát hiệu quả sử dụng vốn.
Các chuyên gia cho rằng để phục hồi kinh tế, phải vượt qua những rào cản chính sách hiện tại thúc đẩy đầu tư công và cần có cơ chế cho những người năng động, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung. Lấy hiệu quả tổng thể là thước đo đánh giá chứ không phải lấy quy trình làm thước đo.
Linh Ly