Sáng 10/6, Kết luận Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong thực hiện Đề án 06, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện công việc đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm. Đã chính thức triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu phát huy hiệu quả (dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm).
Nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm “không nói không, không nói khó”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, tồn tại.
Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, công tác triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới vẫn đối diện một số tồn tại, hạn chế.
Một là, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu.
Vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành đúng thời hạn. Còn 1 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành các nghị quyết miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, vẫn còn 317 thủ tục được quy định tại 65 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 1 luật, 26 nghị định, 8 thông tư liên tịch, 30 thông tư cần tiếp tục sửa đổi. Đặc biệt, việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính còn rất chậm, nhất là với các thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan.
Thể chế, cơ chế, chính sách về thương mại điện tử còn chậm thay đổi, chưa bám sát tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế; chưa xây dựng chiến lược về phát triển thương mại điện tử mang tính dài hạn.
Hai là, phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu".
Vẫn còn các thôn, bản "trắng" sóng, "lõm" sóng, chưa có điện lưới để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử.
Tỉ lệ tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích về mặt kỹ thuật.
Triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm; định danh, xác thực cá nhân, tổ chức, triển khai hóa đơn điện tử còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Ba là, công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng. Vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm về an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu công dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Bốn là, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.
Năm là, công tác tuyên truyền về triển khai Đề án 06 chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là về mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả để các nơi tham khảo, học tập, nhân rộng.
Thủ tướng chỉ rõ, từ sơ kết công tác triển khai trong thời gian qua và trên cơ sở nhận diện những tồn tại, hạn chế đã nêu, chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau để lưu ý quán triệt trong thời gian tới:
Thứ nhất, phải quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương để thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là quan trọng, phải quan tâm, đầu tư về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, tạo phong trào, xu thế để làm.
Thứ hai, phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động rất quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt là của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, kéo dài.
Thứ ba, phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, thí điểm các mô hình mới trong triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.
Thứ tư, phải lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm trong chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số, Đề án 06 và thương mại điện tử mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Thứ năm, phải luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Căn cước.
Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dân cư; thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.
Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ về đề xuất sửa đổi các luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7/2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử. Cùng với đó, hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Các Bộ, ngành có liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp về hóa đơn điện tử, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng. Rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.
P.V (t/h)