Bài liên quan |
VASEP kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thủ tục xuất khẩu thủy sản |
Trước những phản ánh từ doanh nghiệp và cơ quan báo chí về các vướng mắc phát sinh khi phân cấp thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương chuẩn hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành trước ngày 31/7/2025.
Chỉ đạo được truyền đạt tại Văn bản số 6902/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, hoàn thiện, chuẩn hóa và công khai đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính đã được phân cấp, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ: Thủ tục xuất khẩu phải được chuẩn hóa trước tháng 8/2025 |
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu chuẩn hóa các thủ tục như: Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Giấy chứng nhận lưu hành tự do, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ xuất khẩu… Việc chuẩn hóa phải hoàn tất trước ngày 31/7/2025, đi kèm hướng dẫn rõ ràng và cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hỗ trợ các địa phương trong giai đoạn đầu tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ mới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính phải thông suốt, hiệu quả, tránh tình trạng ách tắc, gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đối với địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, triển khai ngay các thủ tục hành chính mới được phân cấp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần phân công rõ cơ quan, đơn vị chuyên môn tiếp nhận, xử lý các thủ tục như cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm xuất khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép lưu hành tự do, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi cho xuất khẩu...
Địa phương cũng được yêu cầu xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến nhân sự, thiết bị, quy trình nghiệp vụ và cơ chế phối hợp liên ngành. Những trường hợp vượt quá thẩm quyền phải được tổng hợp, báo cáo bộ quản lý ngành hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý, tuyệt đối không để tình trạng ách tắc, làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sản xuất – kinh doanh.