Trong phiên họp thứ hai về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, sáng 20-12, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ 6%.
Cụ thể, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết, Hội đồng đã thống nhất mức tăng tiền lương 6%.
Đây là mức phù hợp và được sự thống nhất của các thành viên, trong đó có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Việc tăng lương thực hiện từ 1-7-2024.
"Có lẽ đây là phiên họp thắng lợi nhất của Hội đồng từ trước đến nay", ông Thanh nói.
Với mức tăng trên, mức lương tối thiểu có thể được áp dụng từ ngày 1/7/2024 cụ thể: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng200 nghìn đồng).
Cuộc thương lượng diễn ra trong bối cảnh lạm phát cơ bản tăng 4,27%, CPI bình quân 11 tháng của năm 2023 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024 đối mặt nhiều thách thức do làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022, dự báo tiếp diễn tới đầu năm sau.
Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu thường điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Song do ảnh hưởng của dịch, khủng hoảng kinh tế, cắt giảm lao động, lương tối thiểu lần tiếp theo được điều chỉnh vào tháng 7 trong vòng bốn năm.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, từ năm 2015 tới nay, Việt Nam luôn tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng lên 168 USD/tháng hiện hành. Tính chung giai đoạn 2015-2022 lương tối thiểu tại Việt Nam tăng tổng 19,8%. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là số ít giữ được việc tăng lương giúp tăng giá trị thực tế cho người lao động (tăng thêm 0,7%); do nhiều nước mức tăng lương thấp hơn lạm phát, nên giá trị thực tế của tiền lương giảm, đặc biệt giai đoạn từ dịch COVID-19 tới nay.
Theo các chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống người lao động cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm. Nếu không tăng lương sẽ khó đáp ứng được cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và lương cơ sở của khối nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 vừa qua.
Lần gần nhất lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng là từ ngày 1/7/2022, với mức tăng bình quân thêm 6% so với mức lương áp dụng trước đó, áp dụng tới lần điều chỉnh tiếp theo. Sau điều chỉnh trước, mức lương tối thiểu Vùng I đang duy trì mức 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng II mức 4,16 triệu đồng/tháng; Vùng III mức 3,64 triệu đồng/tháng; Vùng IV mức 3,25 triệu đồng/tháng.
ILO cho rằng, điều chỉnh lương tối thiểu cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động. Đồng thời mức điều chỉnh phải theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình.
Khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 của Công đoàn Việt Nam cho thấy, thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao.
Thu Trà (t/h)