Theo ông, dịch Covid-19 với hầu hết các nước áp dụng biện pháp phong tỏa, cấm đi lại dẫn tới ảnh hưởng thương mại quốc tế có phải là cơ hội để các doanh nghiệp tính đến giải pháp quay lại thị trường nội địa?
TS. Tô Hoài Nam
TS. Tô Hoài Nam: Trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng thì thị trường nội địa chính là cứu cánh cho doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai.
Thứ nữa, nếu doanh nghiệp không tập trung vào thị trường nội địa, chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp khó mà tạo ra việc làm và duy trì hoạt động sản xuất của mình, vì ít nhất, trong thời gian trước mắt, thị trường thế giới còn rất nhiều biến động, đó là trở ngại cho việc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang.
Tất nhiên, đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng ít nhất, việc hướng nội cũng tạo được cho doanh nghiệp một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động, khi thị trường thế giới ổn định hơn thì khả năng bật lên của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.
Thị trường nội địa như một nơi trú ẩn cho doanh nghiệp khi có giông tố.
Những điều gì doanh nghiệp cần lưu ý khi quay lại với thị trường nội địa, thưa ông?
TS. Tô Hoài Nam: Đầu tiên, thị trường nội địa Việt Nam với dân số 100 triệu dân, không phải thị trường quy mô nhỏ. Trong lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường thế giới, thì đây là giải pháp trước mắt và cũng là bài toán lâu dài với các doanh nghiệp.
Khi kinh doanh trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước làm công tác phòng chống dịch rất thành công, nên việc khai thác thị trường nội địa là một điều rất tốt và đúng trong thời điểm hiện nay, nhất là khi nước ta đã có nhiều hoạt động trở lại mạnh mẽ.
Về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ.
Theo ông, những lĩnh vực, ngành nghề nào có thể tận dụng tốt thị trường nội địa?
TS. Tô Hoài Nam: Theo tôi, tất cả mặt hàng thiết yếu đều có thể khai thác mạnh mẽ được ở thị trường nội địa, đặc biệt một số lĩnh vực liên quan đến sản xuất các đồ gia dụng, may mặc… là những hàng hóa có thể tìm đến thị trường nội địa để tìm chỗ đứng.
Hoặc trong các lĩnh vực khác như đào tạo, giáo dục, củng cố các hoạt động du lịch nội địa, cơ sở dịch vụ cho du lịch nội địa, phát triển các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất ngạch gói, xi măng… sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
Theo ông, các doanh nghiệp cần làm thế nào để mở rộng thị trường nội địa?
TS. Tô Hoài Nam: 4 năm gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu tập trung vào thị trường nội địa. Tuy nhiên lúc đó, các doanh nghiệp vừa phải quan tâm đến thị trường nội địa nhưng cũng phải quan tâm đến thị trường quốc tế, với mong muốn vươn ra thế giới, tranh thủ thị trường lớn hơn, khả năng sinh lời cao hơn, vì vậy, sức dành cho thị trường nội địa không toàn lực được. Còn hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn, dồn được nhiều lực hơn trước cho thị trường nội địa của mình.
Để có thể làm tốt việc mở rộng thị trường nội địa, doanh nghiệp cần đảm bảo đạt chuẩn hàng hóa đề giữ uy tín, cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội của mình. Trong thời điểm khó khăn, để xây dựng thương hiệu tốt, ngoài chất lượng hàng hóa cũng cần có trách nhiệm xã hội cao. Đơn cử như khi sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường… Nếu doanh nghiệp chú ý tới điều đó thì sẽ giữ được thị trường.
Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cần có những biện pháp gì để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường nội địa?
TS. Tô Hoài Nam: Để có thể kích thích tiêu dùng, vực dậy sản xuất thì vẫn phải tập trung vào đầu tư công, phát triển một số ngành mũi nhọn, tạo nên việc làm kéo theo một số ngành liên quan, giúp nền sản xuất trong nước phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị với ý chí quyết tâm tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp như giảm bớt áp lực về thuế, giãn nợ, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng vay tiền không lãi suất để trả lương giữ chân người lao động cùng nhiều chính sách khác. Tôi đánh giá những chính sách ấy đã rất tốt, bao hàm cả ngắn hạn và trung hạn. Điều cần nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình thực hiện chính sách, không để thất thoát, không để cá nhân hay tổ chức nào trục lợi từ chính sách.
Xin cảm ơn ông!