![]() |
Thị trường nhóm nông sản 28/1: Lúa mì, ngô và đậu tương tiếp tục lao dốc |
Giá lúa mì tương lai trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) kết phiên ngày thứ Hai với mức giảm sâu, chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm của ngô và đậu tương.
Cụ thể, lúa mì đỏ mềm giao tháng 3 (WH25) giảm 8,05 cent, còn 5,3505 USD/giạ.
Lúa mì cứng đỏ mùa đông KC giao tháng 3 (KWH25) giảm 6,25 cent, đóng cửa ở mức 5,5325 USD/giạ.
Lúa mì xuân Minneapolis giao tháng 3 (MWEH25) mất 9,05 cent, chốt tại 5,8575 USD/giạ.
Thị trường lúa mì chịu áp lực lớn từ tình hình xuất khẩu u ám của Pháp, nước sản xuất lúa mì hàng đầu EU. Pháp đang phải đối mặt với khó khăn trong việc xuất khẩu do rạn nứt với Algeria, nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút, và vụ mùa thất bát, khiến thị phần lúa mì chuyển dần sang các nhà cung cấp giá rẻ hơn như Nga.
Trong khi đó, giá xuất khẩu lúa mì của Nga tăng nhẹ vào tuần trước do nguồn cung thắt chặt, dù khối lượng xuất khẩu vẫn ở mức thấp.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu của Mỹ có tín hiệu tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tuần gần đây nhất, khối lượng thanh tra xuất khẩu lúa mì đạt 484.544 tấn, vượt dự báo từ 250.000 đến 450.000 tấn.
Tương tự, giá ngô trên Sàn CBOT cũng sụt giảm, do lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang. Ngô giao tháng 3 (CH25) mất 4,05 cent, còn 4,82 USD/giạ. Những bất ổn về khả năng Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc đã khiến các nhà giao dịch lo ngại.
Ngoài ra, thị trường ngũ cốc và hạt có dầu còn chịu ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu, khi các nhà đầu tư lo ngại trước sự xuất hiện của mô hình AI giá rẻ từ Trung Quốc, đe dọa sự thống trị của các công ty công nghệ như Nvidia.
Dù vậy, xuất khẩu ngô của Mỹ vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. USDA báo cáo đã có 139.000 tấn ngô được bán cho Mexico giao trong năm 2024/25, và tuần vừa qua, Mỹ kiểm tra xuất khẩu 1.247.004 tấn ngô, phù hợp kỳ vọng từ 1.000.000 đến 1.400.000 tấn.
Đậu tương trên Sàn CBOT cũng nối gót giảm giá. Đậu tương giao tháng 3 (SH25) giảm 10,75 cent, còn 10,45 USD/giạ. Giá bột đậu tương tháng 3 (SMH25) giảm 4,10 USD, xuống 300,80 USD/tấn ngắn; trong khi giá dầu đậu nành tháng 3 (BOH25) giảm 0,22 cent, chốt tại 45 cent/pound.
Giá đậu tương chịu áp lực lớn từ kỳ vọng xuất khẩu mạnh của Argentina sau khi quốc gia này cắt giảm thuế xuất khẩu ngũ cốc. Đây được xem là động thái gia tăng cạnh tranh với nguồn cung của Mỹ. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc, nước mua đậu tương lớn nhất thế giới dự kiến sẽ làm giảm hoạt động xuất khẩu trong ngắn hạn.
Tại Brazil, AgRural vừa hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024/25 của quốc gia này xuống còn 171 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so với dự báo trước đó, do năng suất thấp hơn tại các bang như Mato Grosso do Sul, Parana và Rio Grande do Sul.
Theo USDA, hoạt động thanh tra xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tuần qua đạt 729.362 tấn, thấp hơn mức dự đoán từ 800.000 đến 1.250.000 tấn, tạo thêm áp lực cho giá đậu tương.