![]() |
Thị trường nguyên liệu công nghiệp 9/5: Đường tăng mạnh nhờ giá dầu; ca cao, cà phê diễn biến trái chiều |
Cà phê arabica (KC2!) nhích 0,8% lên 3,8735 USD/pound. Robusta (RC2!) cũng tăng 0,5%, đạt 5.265 USD/tấn.
Dữ liệu từ chính phủ Brazil cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đã giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nguồn cung trong nước đang ở mức thấp. Tại thị trường châu Á, lượng robusta từ Việt Nam, nước sản xuất lớn hiện gần như đã được bán hết, trong khi vụ thu hoạch tại Indonesia vẫn chưa bắt đầu, khiến nguồn cung tiếp tục bị hạn chế.
Tại London, hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 7 (C2!) mất 128 bảng, tương đương 1,9%, còn 6.576 bảng/tấn, gần như xóa sạch mức tăng gần 4% của phiên trước. Ca cao New York (CC2!) cũng giảm 1,4%, giao dịch ở mức 9.068 USD/tấn.
Giới thương mại cho biết, thị trường đang chú ý đến việc đáo hạn hợp đồng tháng 5 (LCCK5) sắp tới, khi chênh lệch giá so với hợp đồng tháng 7 đã giảm mạnh, từ 226 bảng xuống chỉ còn khoảng 20 bảng. Ngoài ra, nguồn cung ổn định gần đây, đặc biệt là từ Nigeria, đã bổ sung lượng ca cao đủ tiêu chuẩn để đưa ra đấu giá, làm dịu bớt tâm lý căng thẳng về cung ứng.
Giá đường thô tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, nhờ được hỗ trợ bởi đà đi lên của giá dầu và lo ngại về sản lượng mía thấp tại Brazil, quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.
Trên Sàn ICE, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng gần nhất (SB1!) tăng 0,37 cent, tương đương 2,2%, lên 17,50 cent/pound. Đường trắng (SF1!) cũng ghi nhận mức tăng 2%, đạt 494,90 USD/tấn.
Các nhà giao dịch cho biết, thị trường đang chờ đợi báo cáo sản xuất mía và đường từ khu vực Trung Nam Brazil trong nửa cuối tháng 4, dự kiến sẽ được tập đoàn UNICA công bố trong vài ngày tới. Mưa lớn được cho là nguyên nhân có thể khiến sản lượng mía nghiền trong giai đoạn này sụt giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Rabobank nhận định, các ước tính gần đây đều cho thấy triển vọng sản lượng mía của Brazil khá ảm đạm, điều này nếu được xác thực bởi số liệu thực tế sẽ là yếu tố hỗ trợ giá đường trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, dữ liệu hải quan cho thấy tổng xuất khẩu đường của Brazil trong tháng 4 chỉ đạt 1,56 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, làm gia tăng quan điểm rằng nhu cầu từ các thị trường quốc tế đang chậm lại.