Thị trường lao động của Việt Nam thời gian qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần.
Những điểm sáng nổi bật của thị trường lao động của Việt Nam thời gian qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn khoảng 40% lao động xã hội, cơ bản đạt mục tiêu đề ra là giảm lao động nông nghiệp xuống dưới 40% trong giai đoạn 2015-2020. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản là 57,1%; năng suất lao động theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/ lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động).
Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm xuống chỉ còn 3,19%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng đã thu hẹp. Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng. Năm 2017, cả nước đã đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vừa mang về cho ngân sách quốc gia nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025.
Tuy vậy, tại thị trường lao động Việt Nam mấy năm qua, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, vẫn rất cao. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 200.000 người có trình độ từ đại học trở lên và khoảng 80.000 người có trình độ cao đẳng đang trong tình trạng tìm kiếm việc làm, hoặc không có việc làm. Nhiều sinh viên khi ra trường có việc làm, nhưng lại làm trái ngành, nghề được đào tạo. Tình trạng doanh nghiệp tìm cách sa thải ao động từ 35, 40 tuổi vì nhiều lý do đã xuất hiện thời gian qua và có xu hướng chưa chấm dứt. Đa số lao động bị sa thải hoặc mất việc đều muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần, chưa quan tâm đến việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm khác, để có thể quay lại thị trường lao động. Nếu những hạn chế, bất cập nêu trên không sớm được khắc phục thì thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 có nguy cơ đổ vỡ với quy mô lớn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, CMCN 4.0 tạo ra nguy cơ mất lao động hàng loạt song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới. "Lạc quan nhìn lại các cuộc cách mạng trong quá khứ, bao giờ cũng có những lao động, ngành nghề mất đi, nhưng cũng sẽ sản sinh ra lao động, ngành nghề mới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2) ở Hà Nội. Phó Thủ tướng cho rằng, cuộc CMCN 4.0 và kỷ nguyên số, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, CMCN 4.0 tạo ra nguy cơ mất lao động hàng loạt song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, cơ hội mới
Trong CMCN 4.0, những yếu tố mà từ trước đến giờ, chúng ta tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào, giá rẻ, sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot, vào sản xuất như hiện nay, đang đặt ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực Việt Nam. Vì vậy, trong tương lai gần, Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì quy mô dân số lớn, nhưng chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp và chưa thích ứng với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot, trang thiết bị công nghệ thông minh… Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới bao trùm từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục...
Tác động đến nguồn lực chất lượng cao, đặc biệt là các kỹ sư công nghiệp, và các robot thực hiện công việc nhiều hơn, sẽ bị phá hoại nếu các kỹ sư không điều khiển được chúng. Do đó, các kỹ sư công nghiệp phải tìm hiểu sâu thế giới của công nghệ thông tin và truyền thông để đối phó với các hệ thống phức tạp. Như vậy, với CMCN 4.0 không phải biến các kỹ sư thành các nhà khoa học dữ liệu chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia, mà thay vào đó, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng trong những lĩnh vực tương ứng để giúp ọ làm việc được trong điều kiện mới. Ví dụ, cung cấp cho họ những kỹ năng mô phỏng mô hình nhà máy ảo, truyền thông dữ liệu và mạng tự động hóa hệ thống, các giao diện người - máy nhân tạo, kỹ thuật chuyển đổi kỹ thuật số - vật lý, chẳng hạn như in ba chiều, hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất sản phẩm và quy trình sản xuất tích hợp, hệ thống tối ưu hóa hàng tồn kho và hậu cần.
Đồng thời, với các quá trình này, người lao động sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng gia tăng. Những lao động có tay nghề thấp hơn, đặc biệt là lao động trong các gia đình, lao động văn phòng và hành chính, sản xuất có thể bị rơi vào vòng luẩn quẩn, nơi đại bộ phận người lao động có kỹ năng thấp, có nghĩa họ có thể phải đối mặt với sa thải. Để tránh bị sa thải, thế hệ người lao động trong tương lai phải hiểu và phải được trang bị kỹ thuật số thành thạo và suốt đời. Như vậy, tương ứng với yêu cầu của CMCN 4.0, người lao động phải nâng cao năng lực học tập, thuần phục các kỹ năng giải quyết vấn đề, trực giác, sáng tạo và thuyết phục, các kỹ năng tự tổ chức, quản lý, kĩ năng làm việc nhóm, hoặc kỹ năng giao tiếp cũng phải được đào tạo. Đây là yêu cầu tiên quyết, không trì hoãn nếu không muốn tụt hậu tiếp. Các rào cản còn đến từ sự thiếu hiểu biết và hạn chế nguồn lực và áp lực lợi nhuận ngắn hạn và thiếu sự liên kết giữa các chiến lược về nguồn nhân lực và chiến lược đổi mới của các doanh nghiệp.
CMCN 4.0 sẽ đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt là thị trường lao động phải có sự thay đổi căn bản về cơ cấu lao động, cơ cấu các nguồn lực để hỗ trợ thị trường, cơ cấu về trình độ lao động. Người lao động phải có sự thích ứng cao hơn để đáp ứng những công việc mới và tránh bị đào thải. Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe... Đây là những cách thức mở ra cơ hội việc làm cho thanh niên ở cả trong nước và quốc tế. Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại. Với CMCN 4.0, chúng ta buộc phải thay đổi phương thức đào tạo truyền thống để sang phương thức đào tạo linh hoạt, hiệu quả, chú trọng đào tạo các kỹ năng, chú trọng đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn và đáp ứng yêu cầu của văn hóa học tập suốt đời.
Box: Doanh nghiệp và nhà trường cần chủ động kết nối. Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho CMCN 4.0. Kết nối cung - cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực là rất quan trọng. Điều này giúp cho các nhà trường hiểu và nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp về kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của các ứng viên, dự tuyển vào doanh nghiệp, từ đó giúp các trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngay được đòi hỏi của công việc
Quang Thọ