Bài liên quan |
Thái Nguyên: Công nhiệp hỗ trợ – chìa khóa nâng tầm doanh nghiệp nội |
Bình Dương đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ: Cú hích mới cho bản đồ chuỗi cung ứng |
Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí cho chuyển giao, đào tạo
Một trong những điểm nổi bật tại Nghị định 205/2025/NĐ-CP là sửa đổi Điều 5, bổ sung các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển.
Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đổi mới công nghệ sẽ được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, cùng các cơ chế ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Đặc biệt, đối với các dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ, mức hỗ trợ có thể lên tới 50% chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, thiết kế, đào tạo, sở hữu trí tuệ, thuê chuyên gia tư vấn... Đồng thời, mức hỗ trợ có thể lên tới 70% chi phí cho các hoạt động nâng cao năng lực chuyên gia, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực này.
![]() |
Thêm loạt chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Mở rộng đối tượng, hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước
Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực, Nghị định bổ sung quy định hỗ trợ tài chính cho sinh viên xuất sắc, giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Các đối tượng này có thể nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn trong và ngoài nước thông qua Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chương trình, dự án đào tạo nhân lực khác.
Đây là chính sách mang tính dài hạn, nhằm tạo dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ phát triển đồng bộ, bền vững.
Nghị định mới bổ sung 3 điều mới gồm: Điều 6a (hỗ trợ bảo vệ môi trường), Điều 6b (hỗ trợ pháp lý) và Điều 6c (hỗ trợ thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng). Đây là bước tiến quan trọng thể hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu, với tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp lý được nâng cao.
Hỗ trợ môi trường: Các dự án đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ, khu/cụm liên kết ngành sẽ được hưởng ưu đãi theo pháp luật bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ pháp lý: Doanh nghiệp thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được tiếp cận chính sách hỗ trợ pháp lý theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ kiểm định: Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định, tư vấn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa, sở hữu trí tuệ, hiệu chuẩn đo lường và đăng ký mã số mã vạch.
Ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp, Nghị định 205/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 12 để tăng cường ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển. Theo đó, các dự án được:
Hưởng ưu đãi thuế theo quy định pháp luật hiện hành;
Miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước theo luật đất đai;
Thụ hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư khác theo luật đầu tư.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2025, kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ – nơi vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển hướng sang sản xuất trong nước.