Trong những tháng đầu năm 2025, hoạt động tại cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Thống kê cho thấy, hiện có hơn 800 doanh nghiệp thường xuyên tham gia xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, trong đó trên 300 doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng có thuế suất cao và kim ngạch lớn như máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, vải dệt may, xì dầu, bia, hàng tiêu dùng, gỗ ván bóc, cá đông lạnh… Số lượng này đã tăng thêm 167 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh rõ xu hướng chuyển dịch hoạt động thương mại về phía cửa khẩu Chi Ma, nơi đang ngày càng khẳng định vai trò là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến biên giới Việt - Trung.
![]() |
Thêm 2 giờ để hàng hóa thông quan qua cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn |
Một trong những nguyên nhân then chốt giúp thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp chính là những giải pháp điều hành linh hoạt, thực tiễn và hiệu quả được Hải quan cửa khẩu Chi Ma chủ động triển khai. Theo ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Hải quan cửa khẩu Chi Ma, đơn vị đã thường xuyên phối hợp, hội đàm với cơ quan chức năng phía Trung Quốc, qua đó đạt được sự đồng thuận trong việc điều chỉnh khung giờ hoạt động: Mở cửa khẩu sớm hơn 1 giờ (từ 7 giờ sáng) và đóng muộn hơn 1 giờ (20 giờ tối) so với trước đây. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất thực hiện thông quan vào cả ngày thứ Bảy, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể xử lý hồ sơ, vận chuyển và làm thủ tục hàng hóa ngay trong ngày mà không bị gián đoạn bởi thời gian nghỉ cuối tuần như trước. Những điều chỉnh tưởng chừng đơn giản nhưng đã góp phần đáng kể vào việc tăng tốc độ xử lý hàng hóa, rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm chi phí logistics và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, Hải quan cửa khẩu Chi Ma còn chủ động phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn và các sở, ngành liên quan để làm việc với chính quyền, lực lượng chức năng phía bên kia biên giới nhằm mở rộng danh mục mặt hàng được phép xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu song phương. Đến nay, hai bên đã thống nhất bổ sung 22 mặt hàng có thuế suất cao, từ đó góp phần quan trọng trong việc tăng thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển thêm các dòng hàng mới. Kết quả đáng ghi nhận là trong quý I/2025, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Chi Ma đã đạt hơn 225 tỷ đồng, bằng 37% dự toán năm và tăng tới 202% so với cùng kỳ năm 2024.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu 605 tỷ đồng trong năm 2025, Hải quan cửa khẩu Chi Ma đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Cùng với đó, đơn vị chú trọng triển khai các chương trình và kế hoạch nhằm thu hút doanh nghiệp thực hiện kê khai, làm thủ tục hải quan tại Chi Ma. Trong 3 tháng đầu năm, đơn vị đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp hoạt động tại cửa khẩu, đồng thời thành lập 2 tổ công tác đến các địa phương để tiếp cận, gặp gỡ và lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, qua đó kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Với định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cùng sự chủ động trong phối hợp song phương và đổi mới cách thức vận hành, Hải quan cửa khẩu Chi Ma đang từng bước nâng cao năng lực hoạt động, đóng vai trò là điểm sáng trong hệ thống cửa khẩu biên giới phía Bắc, góp phần thúc đẩy thương mại xuyên biên giới và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.