Bài liên quan |
Mỹ dự kiến trợ cấp hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp bán dẫn |
Công nghiệp bán dẫn đang được Bộ Tài chính đánh giá là lĩnh vực then chốt, giữ vai trò cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm, khi không chỉ là nền tảng cho các đột phá về khoa học và công nghệ mà còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định kinh tế - chính trị quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Trong xu thế đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đã sớm xây dựng chiến lược quốc gia, ban hành các chính sách toàn diện nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho ngành bán dẫn, trong đó các chính sách tạo thuận lợi thương mại và ưu đãi thủ tục hải quan được xem là công cụ hỗ trợ thiết thực để khơi thông dòng vốn và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ cao. Đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao là yêu cầu tốc độ phản ứng nhanh với sự thay đổi không ngừng của công nghệ và nhu cầu thị trường, từ đó phát sinh đòi hỏi khắt khe về tính kịp thời trong cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển. Trong bối cảnh ấy, thời gian thông quan và sự thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan trở thành yếu tố mang tính sống còn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành và duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
![]() |
Đề xuất mở rộng ưu tiên xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp bán dẫn |
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ thống quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa có khung chính sách ưu tiên riêng biệt dành cho các doanh nghiệp bán dẫn và công nghệ cao, chưa đủ linh hoạt để thích ứng với đặc điểm phát triển nhanh, năng động của các ngành này. Cụ thể, theo các điều kiện được quy định trong Luật Hải quan hiện hành, để được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, các doanh nghiệp phải đảm bảo có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức lớn và duy trì tuân thủ đầy đủ pháp luật về hải quan, thuế trong suốt hai năm liên tiếp. Đây là rào cản đáng kể đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất, bởi họ chưa thể đáp ứng ngay các tiêu chí về thời gian hoạt động và quy mô kim ngạch, trong khi lại rất cần được hỗ trợ từ sớm để tạo đà phát triển. Quy định này, theo đó, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong việc tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư ngay từ giai đoạn đầu hình thành, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết về tốc độ phát triển và đổi mới công nghệ của ngành bán dẫn và công nghệ cao.
Nhằm tháo gỡ nút thắt và tạo hành lang pháp lý phù hợp hơn, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, trong đó có Luật Hải quan, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 42 theo hướng bổ sung cơ chế áp dụng chế độ ưu tiên riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao. Theo đó, nhóm doanh nghiệp này sẽ không bị ràng buộc bởi các điều kiện ưu tiên chung như hiện hành. Đồng thời, tại Điều 43, Bộ Tài chính cũng kiến nghị bổ sung quy định chế độ ưu tiên được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp bán dẫn và công nghệ cao theo danh mục hàng hóa cụ thể. Danh mục này sẽ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, bảo đảm mã số hàng hóa thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Với cơ chế mới, các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao khi đáp ứng điều kiện danh mục hàng hóa sẽ được hưởng loạt quyền lợi theo chế độ ưu tiên doanh nghiệp, bao gồm: Miễn kiểm tra hồ sơ hải quan và hàng hóa trong quá trình làm thủ tục, được khai báo hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh, được miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan và được hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Những điều chỉnh chính sách này, nếu được thông qua, sẽ không chỉ góp phần tháo gỡ rào cản, mở rộng cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ cao ngay từ giai đoạn đầu tư mà còn tạo động lực thu hút làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực bán dẫn – một ngành công nghiệp có giá trị chiến lược, mang tính lan tỏa và có thể trở thành bệ phóng để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.